Theo đó, cầu rộng 50 m nhưng độ cao thông thuyền chỉ 1,5 m, trong khi cầu cũ vừa tháo dỡ vốn có độ cao thông thuyền 2,9 m. Ngoài ra, hàng loạt cây cầu hiện hữu trên tuyến kênh này đều có độ cao thông thuyền trên 2,5 m.
Được biết, chiếc cầu này do UBND TP Cà Mau làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng khoảng 5 tỉ đồng.
Thay mặt chủ đầu tư, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, lý giải xã xây dựng nông thôn mới, đang tăng cường xây dựng hạ tầng đường bộ, trong tương lai sẽ giảm vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. "Thật ra, chiếc cầu này chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của vài hộ kinh doanh lúa gạo trong xã mà thôi. Nếu không vận chuyển được bằng đường thủy, bà con có thể vận chuyển bằng đường bộ. Độ cao cầu 1,5 m sẽ bảo đảm mỹ quan đô thị và an toàn cho xe qua cầu" - ông Phúc nói.
Chiếc cầu đang thi công với độ cao thông thuyền chỉ 1,5 m thì khi hoàn thành, nhiều tàu lớn sẽ không thể đi qua
Thế nhưng, theo người dân, với độ cao 1,5 m, tàu có trọng tải từ 10 tấn trở lên không thể đi qua, đồng nghĩa với sinh kế của nhiều người phụ thuộc vào đường sông này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Hiện đường giao thông của xã chỉ đáp ứng được xe trọng tải 1,5 tấn trở xuống nên tuyến kênh này là đường vận chuyển chính của người dân và các nhà máy trong xã, cũng như các huyện lân cận.
Có thể coi đây là đường vận chuyển huyết mạch của xã. Những ghe chở lúa, gạo, vật liệu xây dựng… có trọng tải hơn 10 tấn thì chiều cao của ghe đã khoảng 1,9 m, không thể qua cầu có độ cao 1,5 m" - ông Dư Minh Hoàng, chủ vựa gạo ở xã Lý Văn Lâm, nói.
Đại diện cho nguyện vọng của nhiều hộ dân và các nhà máy sấy, xay xát lúa gạo ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, ông Mã Bá Trinh cho biết nhà máy sấy và xay xát lúa gạo của ông hoạt động hơn 40 năm, đều phụ thuộc vào kênh Rạch Rập. Nếu chủ đầu tư vẫn cương quyết cho xây cầu cao 1,5 m thì nguy cơ nhà máy không thể hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, việc làm của hàng chục công nhân.
"Xã Lý Văn Lâm là xã thuần nông, hạ tầng giao thông còn yếu về mọi mặt. Lúa gạo, nông sản, vật liệu… của người dân vận chuyển phụ thuộc vào đường thủy là chính. Nếu đi bằng đường bộ, 15 tấn lúa đưa vào nhà máy sấy phải chở bằng 10 chuyến xe. Chưa nói đến chi phí, với thời gian đó thì đến được nhà máy, lúa đã lên mọng hết rồi.
Hơn nữa, đường sông này không chỉ phục vụ vài nhà máy, nó là sinh kế của hàng trăm hộ dân dọc tuyến kênh này và cả người dân ở các huyện lân cận" - ông Trinh lo ngại.