Thứ bảy, 14/11/2020,07:21 (GMT+7)
Loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con
Từ tháng 6-2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), TP Cần Thơ đã triển khai thí điểm loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con tại 4 quận, huyện: Ô Môn, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân trình bày về dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con cho các cán bộ, nhân viên y tế. 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân trình bày về dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con cho các cán bộ, nhân viên y tế. 
 
Vì những đứa trẻ khỏe mạnh
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phụ trách chương trình sức khỏe sinh sản, Trạm y tế phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Cộng tác viên dân số khu vực sẽ tìm đến các chị em đang mang thai để tuyên truyền, vận động họ đến trạm y tế lấy máu xét nghiệm 3 bệnh: HIV, viêm gan B và giang mai. Ngoài ra, trong thai kỳ, khi đến trạm y tế tiêm ngừa uốn ván, nhân viên của trạm cũng sẽ tiếp cận, tư vấn cho các chị. Ban đầu, nhiều chị em ngại, nhưng khi được tư vấn và biết lợi ích phòng bệnh cho con thì các chị đồng ý ngay”.
 
Theo chị Hồng Hạnh, nhiều năm nay, trạm y tế đã thực hiện chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Cách đây vài năm, chương trình phát hiện 1 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Ngay sau đó, nhân viên y tế đã tư vấn cho chồng và con của chị (con lớn - PV) đi xét nghiệm, kết quả con lớn của chị cũng bị nhiễm. Cả hai mẹ con đều đưa vào điều trị ARV. Khi sinh bé thứ hai, bé được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV nên không bị nhiễm. Ðây là niềm hạnh phúc vô bờ của vợ chồng sản phụ và cũng là động lực để các cán bộ y tế làm chương trình dự phòng theo đuổi công việc này.
 
Từ thực tế triển khai chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chị Hồng Hạnh cho biết: Chương trình rất nhân văn. Ðến nay, phường đã triển khai thêm xét nghiệm viêm gan B và giang mai rất thuận lợi. Từ khi triển khai đến nay, trạm đã tư vấn, lấy máu xét nghiệm cho khoảng 65 chị và phát hiện 1 chị mắc viêm gan B.
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, phụ nữ mang thai có xét nghiệm khẳng định dương tính với 1 trong 3 bệnh (HIV, viêm gan B, giang mai) sẽ được tư vấn nguy cơ lây truyền cho con và các biện pháp dự phòng; điều trị sớm cho cả mẹ và con; giới thiệu bạn tình, chồng đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị; tư vấn nuôi dưỡng trẻ; làm xét nghiệm khẳng định. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, các chị sẽ được chuyển, gởi đến cơ sở điều trị HIV/AIDS. Nếu mắc viêm gan B sẽ đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa truyền nhiễm điều trị, dự phòng. Ðồng thời, tiêm vắc-xin phòng viêm gan B và tiêm kháng huyết thanh viêm gan B (HBIG) cho con trong vòng 24 giờ sau sinh. Với phụ nữ mang thai nhiễm giang mai, ngoài điều trị, tư vấn và xét nghiệm cho chồng, bạn tình; tùy trường hợp bệnh, có thể chuyển gởi điều trị cơ sở y tế chuyên khoa da liễu.
 
Mở rộng toàn thành phố
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, Văn phòng WHO tại Việt Nam, cho biết: Giang mai lây truyền qua quan hệ tình dục, đường máu và mẹ truyền sang cho con trong lúc mang thai (80%), chuyển dạ. Bệnh diễn biến nhiều năm (10-30 năm) có khi cả đời, có lúc rầm rộ, có thời kỳ im lặng không có triệu chứng làm cho người bệnh lầm tưởng đã khỏi và có thể lây truyền cho con. Tai biến sản khoa do giang mai: sẩy thai, thai lưu, trẻ sơ sinh tử vong, sinh non/sinh thiếu cân, trẻ bị giang mai bẩm sinh… chủ yếu là do mẹ mắc giang mai mà không phát hiện trong quá trình mang thai.
 
Với HIV, ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140- 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10-20% và 90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có thể bị nhiễm vi-rút này từ mẹ. Trong số những trẻ nhiễm viêm gan B do lây truyền từ mẹ sang thì 90% có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính, nhiều nguy cơ diễn biến xơ gan và ung thư gan khi trưởng thành. 
 
Vì vậy, tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai ngay trong lần khám thai đầu tiên hoặc càng sớm càng tốt trong thời gian mang thai. Cuối tháng 10-2020, UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn thành phố. Mục tiêu đến năm 2030, loại trừ 3 bệnh này lây truyền từ mẹ sang con.
 
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ: Trong 3 năm gần đây, các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con không bị nhiễm. Riêng hai bệnh còn lại, trước đây, các cơ sở y tế chưa quan tâm đúng mức sàng lọc viêm gan B và giang mai, chưa theo dõi kết quả xử trí. Từ đầu năm 2020 đến nay, với sự hỗ trợ của WHO, thành phố đã triển khai thí điểm tại 4 quận, huyện. Hướng tới, đầu năm 2021, với kế hoạch vừa được UBND thành phố phê duyệt, mở rộng toàn thành phố.
 
Ðể chuẩn bị quá trình xét nghiệm cho phụ nữ mang thai toàn thành phố, CDC Cần Thơ đã phối hợp WHO tại Việt Nam tổ chức tập huấn loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con cho cán bộ phụ trách sức khỏe sinh sản ở các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện. Hoạt động này nhằm củng cố, rà soát lại việc triển khai chương trình này tại 4 quận, huyện và trang bị kiến thức cho 5 quận, huyện còn lại, chuẩn bị cho việc mở rộng chương trình trong năm 2021.
 
Bài, ảnh: H.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu