Thứ tư, 18/09/2019,11:28 (GMT+7)
Loạn thị trường sách tham khảo
Đầu năm học, ngoài nỗi khổ mang tên “tiền trường”, phụ huynh còn chạy đôn chạy đáo tìm mua sách học cho con, trong đó có sách tham khảo (STK). Phụ huynh không chỉ tốn tiền mà còn rối mắt trước hàng trăm đầu sách “thượng vàng hạ cám” và không biết thực sự có bổ ích gì cho con em mình.

Hoa mắt

Một phụ huynh có con học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) cho biết, đầu năm học này, giáo viên môn Vật lý yêu cầu các con mua quyển “Tài liệu dạy học Vật lý lớp 8” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam phát hành, dùng thay thế cho sách giáo khoa. Khi ra nhà sách tìm mua, phụ huynh này mới biết đây bộ sách gồm 4 cuốn, trải đều từ lớp 6 đến lớp 9, toàn bộ trang sách đều được in màu, giá dao động từ 45.000-58.000 đồng/cuốn.

Một phụ huynh khác có con học lớp 6 ở quận Gò Vấp cũng băn khoăn vì với môn Tiếng Anh, ngoài việc học theo sách giáo khoa, giáo viên bộ môn còn yêu cầu học sinh mua thêm cuốn “Bài tập tiếng Anh” do 2 tác giả Mai Lan Hương và Nguyễn Thanh Loan biên soạn, sử dụng song song với sách giáo khoa trong giờ làm bài tập trên lớp.

Đáng nói là khi tìm hiểu tại nhà sách, đầu sách này có đến 2 ấn bản, một bản chỉ gồm câu hỏi (giá 36.000 đồng/cuốn) và một bản in kèm phụ lục đáp án (giá 48.000 đồng/cuốn) nên phụ huynh đành bấm bụng mua cả 2 cuốn sách phục vụ học tập của con.

Loạn thị trường sách tham khảo ảnh 1

Thị trường sách tham khảo sôi động, ngay cả cho học sinh lớp 1, lớp 2

Ghi nhận tại nhiều hệ thống nhà sách như Fahasa, Phương Nam cho thấy, thị trường STK rất đa dạng, ở mỗi khối lớp, mỗi môn học có từ 5 đến hơn 10 đầu STK khác nhau.

Cá biệt có trường hợp như môn Ngữ văn lớp 8, tại hệ thống nhà sách Phương Nam bày bán hơn 12 đầu STK, trong đó có đến 8 đầu sách do cùng một tác giả biên soạn, được phát hành với nhiều tên gọi và do nhiều đơn vị phát hành như “150 bài văn hay lớp 8” (NXB Đại học quốc gia TPHCM), “199 bài và đoạn văn hay 8” (NXB Hải Phòng), “199 bài và đoạn văn hay 8” (NXB Đại học Sư phạm TPHCM), “Để học tốt Ngữ văn 8” (NXB Đà Nẵng)…

Thậm chí, đối với lớp 1, dù kiến thức được giới thiệu ở mức độ “nhập môn” nhưng thị trường STK cũng phong phú, với “500 bài tập toán chọn lọc 1”, “Tuyển chọn các bài toán đố 1”, “Rèn kỹ năng học tốt toán 1”… Từ lớp 2 trở đi, các đầu sách bán chạy nhất là sách giải vở bài tập, tuyển tập đề kiểm tra môn học.

Theo nhân viên một nhà sách, do giá thành các đầu STK không được niêm yết công khai như sách giáo khoa nên đây là thị trường béo bở cho sách giả trà trộn với chất lượng in không đảm bảo, thậm chí nội dung có thể sai lệch so với bản gốc. Vì vậy, phụ huynh nếu không tỉnh táo, chọn mua sách ở các địa chỉ không uy tín có thể “tiền mất, tật mang”.

Thả nổi?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết theo yêu cầu đổi mới hoạt động dạy học, nhất là những môn đòi hỏi tính thực nghiệm, tăng thực hành, giảm lý thuyết hàn lâm, nên thị trường có rất nhiều tài liệu bổ trợ. Nhiệm vụ của giáo viên là định hướng cho học sinh tìm đọc những tài liệu bổ trợ phù hợp, dựa trên cơ sở là chuẩn kiến thức, kỹ năng được quy định trong chương trình.

“Việc giáo viên áp đặt học sinh sử dụng tài liệu dạy học nào đó thay thế sách giáo khoa là sai về mặt quy định, khiến những học sinh đã mua sách giáo khoa nhưng không thể sử dụng gây lãng phí lớn, thiếu phối hợp trong việc thông tin với phụ huynh”, vị này cho biết.

Thay vì áp đặt học sinh, nhà trường có thể phát triển, tăng cường nguồn học liệu dùng chung tại thư viện, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh được tiếp cận, bổ sung và cập nhật những nội dung, phương pháp dạy học tiên tiến mà sách giáo khoa không có.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT cho phép giáo viên chủ động lựa chọn hình thức và tổ chức quá trình dạy học trên cơ sở những tài liệu đã được cơ quan chức năng thẩm định và có nội dung phù hợp, song trước khi triển khai cần có sự chuẩn bị và thông tin để nhận được đồng thuận của phụ huynh. Trường hợp phụ huynh và học sinh không đồng thuận, giáo viên không được áp đặt, gây hoang mang cho người học.

Theo đại diện NXB Giáo dục Việt Nam tại TPHCM, Luật Xuất bản hiện nay không quy định một tác giả chỉ được ký hợp đồng biên soạn STK với một NXB. Vị này cho biết, hiện nay chỉ riêng sách giáo khoa do là “mặt hàng đặc biệt, có tính phổ quát cao” nên các NXB ký hợp đồng độc quyền với tác giả. Còn lại tất cả đầu STK, tài liệu bổ trợ dạy học trên thị trường đều không có quy định ràng buộc tác giả. Mặt khác, do các đơn vị phát hành tham gia thị trường STK ngày càng đông nên số lượng đầu sách rất phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, chất lượng chủ yếu dựa vào uy tín của từng tác giả hoặc một số thỏa thuận ngầm giữa các đơn vị phát hành. Vì vậy, việc lựa chọn, thẩm định nội dung STK thuộc về quyền chủ động của người sử dụng, trong đó có giáo viên, phụ huynh và học sinh.

THU TÂM - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu