Thứ ba, 02/02/2021,07:19 (GMT+7)
Luân canh tôm - lúa bền vững
Tỉnh Kiên Giang đã chuyển đổi đất trồng lúa ven biển kém hiệu quả sang mô hình luân canh tôm - lúa bền vững. Đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh và đang phát huy hiệu quả cao.
Tôm nước lợ hiện là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh Kiên Giang, năm 2020 giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh đã vượt giá trị nông nghiệp và lâm nghiệp cộng lại.
Tôm nước lợ hiện là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh Kiên Giang, năm 2020 giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh đã vượt giá trị nông nghiệp và lâm nghiệp cộng lại.
 
Kiên Giang là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp của vùng ÐBSCL, nông dân chiếm trên 70% dân số, lao động trong sản xuất nông nghiệp trên 50% trên toàn tỉnh. Từ nhiều năm qua, Kiên Giang luôn là tỉnh dẫn đầu về sản lượng lúa, cao nhất đạt trên 4,6 triệu tấn/năm.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây, Kiên Giang đã chuyển đổi hàng chục ngàn héc-ta đất lúa ven biển sang luân canh tôm - lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn khai thác được lợi thế của một tỉnh ven biển, với bờ biển dài hơn 200km. Ðiển hình cho việc chuyển đổi này là các huyện vùng U Minh Thượng, biến vùng nông thôn khó khăn trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế.
 
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ÐBSCL đã xác định, "biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội… Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi trọng nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế". Từ đó, phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là lúa, sang phát triển kinh tế đa dạng. Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa, trong đó thủy sản là sản phẩm chủ lực.
 
Xoay trục kinh tế theo trọng tâm này, những năm qua, Kiên Giang đã giữ ổn định sản lượng lúa ở mức hơn 4 triệu tấn/năm và chuyển mạnh sang nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ vùng ven biển. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang, cho biết: "Năm 2020 tỉnh có kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ với diện tích 130.700ha, sản lượng thu hoạch là 85.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm lúa là 100.000ha, sản lượng 48.500 tấn. Tuy nhiên, nhờ tăng diện tích thả nuôi, cả năm đạt 134.235ha, cùng với việc áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, nên sản lượng tôm nuôi của tăng khá mạnh, ước đạt 92.490 tấn, gần gấp đôi so với kế hoạch, đây là mức tăng trưởng ấn tượng…".
 
Hòn Ðất là huyện nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, có diện tích đất sản xuất lúa lớn nhất tỉnh Kiên Giang, với khoảng 80.000ha/vụ. Ðây cũng là địa phương có sản lượng dẫn đầu toàn tỉnh, đóng góp vào sản lượng chung hơn một triệu tấn lúa hàng hóa/năm.
 
Cách đây hơn 20 năm, khi đẩy mạnh việc khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên, mục tiêu lớn nhất thời điểm đó là ngọt hóa toàn vùng để phát triển canh tác lúa. Chính vì vậy, hệ thống cống đều được xây dựng ra tới sát biển, với cửa van một chiều nhằm thoát lũ và ngăn mặn. Nhờ vậy diện tích sản xuất lúa được mở rộng tối đa.
 
Tuy nhiên, hiện nay Kiên Giang đã quy hoạch, chuyển đổi một phần diện tích từ quốc lộ 80, kênh Rạch Giá - Hà Tiên ra biển chuyển sang mô hình luân canh tôm - lúa. Chỉ riêng huyện Hòn Ðất, diện tích ven biển có thể chuyển đổi khoảng 20.000ha. Việc chuyển đổi này sẽ thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, nông dân không phải "gồng mình" chống chọi với nước mặn xâm nhập, để sản xuất lúa trong mùa nắng hạn.
 
Ông Lê Văn Giàu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hòn Ðất, cho biết: Hiện nay nông dân trong huyện đang tích cực chuyển đổi đất chuyên lúa sang mô hình luân canh tôm - lúa. Năm 2021, huyện có kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ hơn 3.900ha, trong đó nuôi tôm - lúa là 2.500ha.
 
Theo ông Giàu, quy hoạch đến năm 2030, huyện Hòn Ðất sẽ mở rộng diện tích tôm - lúa lên 16.000ha, tập trung ở các xã ven biển, từ tuyến quốc lộ 80 trở ra biển. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi này được thuận lợi thì cần đầu tư, quy hoạch lại hệ thống thủy lợi. Ðặc biệt là phải chuyển đổi công năng hệ thống cống ven biển, từ chức năng chính là ngăn mặn, giữ ngọt, sang điều tiết mặn ngọt, phục vụ phát triển kinh tế đa dạng.
 
Bài, ảnh: ĐÀO CHÁNH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu