Thứ tư, 14/08/2019,15:47 (GMT+7)
Lý do tuyệt đối không nên ăn bánh mì gói bằng giấy báo
Nếu mỗi ngày bạn vẫn ăn sáng bằng ổ bánh mì gói bằng giấy báo thì hãy dừng lại ngay trước khi chúng ảnh hưởng tới sức khỏe. Bài viết này sẽ lý giải tại sao tuyệt đối không nên ăn bánh mì gói bằng giấy báo.

Bánh mì là món ăn vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Người dân thường có thói quen tận dụng giấy báo cũ hay sách vở đã qua sử dụng để bọc xôi, gói bánh mì. Hành động này được cho là tiết kiệm nhưng lại có ảnh hưởng khó lường tới sức khỏe người sử dụng.

Các nhà khoa học đã chỉ ra trong giấy báo có nhiều loại hóa chất độc hại như các kim loại nặng: chì, thép crom, cát-mi-um, thủy ngân, PCBs (Polychlorinated Biphenyls0 cùng những chất dung môi hữu cơ độc hại như ethanol, isopropanol, toluene…

Lý do tuyệt đối không nên ăn bánh mì gói bằng giấy báo

Trong giấy báo có nhiều chất độc hại tuyệt đối không nên dùng để bọc thực phẩm

Trong số các chất độc hại này thì nguy hiểm nhất với sức khỏe con người là chì. Tùy theo từng loại mực in, giấy in mà mức độ nhiễm chì sẽ khác nhau. Dù là giấy báo mới in hay đã để lâu thì hàm lượng chì lưu lại trên mực in trên giấy vẫn còn tồn động. Đồ ăn khi được bọc trực tiếp với tờ báo sẽ bị nhiễm chì có trong mực in.

Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng cách dùng báo bọc trực tiếp vào một chiếc bánh mì mới ra lò hay nắm xôi còn nóng. Khi giở ra trên đồ ăn của bạn đã dính lem nhem các vết mực in. Những tờ báo mới ra lò khi mực mới được in sẽ có mức độ nhiễm chì cao hơn báo cũ. Chỉ cần cầm một tờ báo mới, bạn cũng có thể thấy trên tay mình bụi và vệt mực. Các chất độc hại trong giấy báo dù đã được làm khô trên giấy và giảm đáng kể độ độc hại nhưng vẫn gây nguy hiểm khi ăn hay hít phải.

Theo các nhà khoa học thì có tới 0,1 – 1mg kim loại chì trong 1kg giấy báo. Con người chỉ cần hít phải 0,5 – 2mg là đã bị nhiễm độc chì. Khi đem giấy báo bóc thực phẩm còn nóng thì mức độ nguy hiểm của chì cũng cao hơn.

Lý do tuyệt đối không nên ăn bánh mì gói bằng giấy báo

Bánh mì gói bằng giấy báo có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng

Theo TS Nguyễn Hữu Hoan thuộc Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, chất chì trong giấy báo dùng để bọc bánh mì, gói thực phẩm có khả năng gây suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…

Đối với những người thường xuyên tiếp xúc với chì có thể hậu quả nghiêm trọng hơn như bị thiếu máu, rối loạn ý thức, đau đầu, co giật, chậm phát triển chiều cao, viêm gan và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.

Đáng nói là con người chỉ có biểu hiện nhiễm độc chì khi đã tích tụ chất độc trong một thời gian dài. Sau một thời gian tích lũy số lượng chất độc đủ thì chúng mới có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Do đó nhiều người chủ quan không nhận thức hết tác hại của việc ăn bánh mì được gói bằng giấy báo.

Không chỉ giấy báo, mà dùng giấy trắng giấy sách vở để bọc thực phẩm cũng có thể gây nguy hại. Bởi lẽ trong quá trình sản xuất giấy trắng, giấy sách vở nhà sản xuất có sử dụng chất tẩy rửa để làm trắng giấy. Các hóa chất độc hại còn lưu lại trên giấy khi đem bọc thức ăn sẽ đi vào trong cơ thể gây ngộ độc sau một thời gian dài sử dụng.

Các chuyên gia khuyến cáo, tuyệt đối không nên sử dụng các loại báo in, sách vở dù mới hay cũ để bọc thực phẩm. Cũng không bọc thực phẩm bằng các loại giấy bóng kính, túi nilon hay hộp xốp kém chất lượng để đựng thực phẩm. Đặc biệt trong túi nilon có các hạt nhựa khi tiếp xúc cao sẽ gây nguy hiểm khi con người ăn phải. 

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu