Thứ năm, 18/07/2019,09:49 (GMT+7)
Mạnh dạn làm đi, chúng tôi sẵn sàng đồng hành với các đồng chí
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với tỉnh An Giang về lĩnh vực y tế, giáo dục trong hai ngày, 16 -17/7.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh An Giang. Ảnh VGP/Trần Mạnh  

Sau khi thị sát và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Trường Đại học An Giang; nghe Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình báo cáo khái quát tình hình kinh tế - xã hội địa phương, tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực giáo dục, y tế, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ phấn khởi và biểu dương những kết quả tỉnh đã đạt được trong việc tạo lập những “nền tảng chăm lo cho con người”.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng gợi mở với lãnh đạo tỉnh một số ý tưởng mang tính đột phá để An Giang nghiên cứu, áp dụng, trên tinh thần vận dụng một cách linh hoạt các quy định hiện hành, phù hợp đặc điểm vùng miền và thực tế địa phương, nhất là việc thực hiện tự chủ trên hai lĩnh vực y tế, giáo dục nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng với các đồng chí

Đối với lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng cho biết, những năm gần đây, kết quả thi giáo dục phổ thông của An Giang luôn nằm trong tốp 10 cả nước. Ông biểu dương và mong muốn địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh tự chủ, thí điểm thực hiện cách làm mới để xây dựng, phát triển nền giáo dục tỉnh nhà.

Cụ thể, về giáo dục mầm non, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên để phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, An Giang cần chú trọng việc giáo dục đạo đức, tinh thần lao động, sáng tạo cho học sinh ngay từ cấp học thấp nhất. Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục mầm non, Phó Thủ tướng cho rằng “dậy con từ thủa còn thơ”, do đó tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến việc dạy nhân cách, nền nếp cho trẻ từ tấm bé qua những hoạt động cụ thể như: Cùng nhau lao động vệ sinh trường lớp; sinh hoạt đoàn đội một cách thiết thực,…  “Rất mong An Giang sẽ làm mẫu mực, để thành hình mẫu, trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng thăm Trường Đại học An Giang. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Liên quan đến việc chuyển giao Trường Đại học An Giang về Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, Trường Đại học An Giang là một trong những trường đại học lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về cả quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Do vậy, sắp tới khi chuyển giao về Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học An Giang vẫn không tách rời khỏi tỉnh, vẫn là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh, trên cơ sở tỉnh "đặt hàng" với nhà trường.

Ngoài ra, việc chuyển giao này sẽ giúp Trường Đại học An Giang được “cởi trói về cơ chế”, đẩy mạnh tự chủ về học thuật, nhân sự, tài chính, từ đó, nhà trường có điều kiện để phát triển theo hướng chuyên sâu với quy mô, chất lượng cao hơn cả về đào tạo và nghiên cứu, nhất là trong những lĩnh vực có lợi thế như: Nông nghiệp, môi trường, biến đổi khí hậu...

Tinh thần chung đối với giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, An Giang đã làm tốt giáo dục phổ thông, ông mong muốn tỉnh sẽ có những đột phá trong giáo dục mầm non, đồng thời xây dựng Trường Đại học An Giang trờ thành hình mẫu, thành viên của Đại học đứng đầu cả nước (ĐHQG TPHCM), không chỉ là trung tâm đào tạo mà còn là trung tâm nghiên cứu, để giải quyết những vấn đề thiết thực nhất đối với đời sống kinh tế, xã hội của vùng. “Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng với các đồng chí”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh An Giang. Ảnh VGP/Trần Mạnh

 Bệnh viện mạnh dạn tự chủ, bà con được lợi rất nhiều

Về lĩnh vực y tế, trao đổi với lãnh đạo tỉnh và cán bộ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Phó Thủ tướng gợi mở tỉnh cần nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn địa phương, không áp dụng quy định một cách cứng nhắc theo hướng chỗ nào cũng phải đông, xã nào cũng có trạm y tế nhưng thực tế không ai vào khám chữa bệnh. Theo ông, điều quan trọng, mục đích cuối cùng cấu trúc lại hệ thống cơ quan y tế một cách hợp lý để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách tốt nhất, “mạnh dạn làm đi, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các đồng chí”. (Thực tế hiện nay ở nhiều xã ven đô thị dù có trạm y tế được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng không có bệnh nhân, do người dân đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến trên).

Theo Phó Thủ tướng, bệnh viện tỉnh không chỉ là bệnh viện vệ tinh của tuyến trên mà còn phải là hạt nhân, là cái nôi hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Phó Thủ tướng đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, để Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang có đủ điều kiện để trở thành thành bệnh viện tự chủ loại một (hiện đang tự chủ loại 2), có cơ chế thu hút, giữ chân được những người giỏi về “đầu quân”,...

Những gì thế giới đã làm thành quy luật rồi, ta không tuân theo không được. Trong thẩm quyền của mình, tỉnh hoàn toàn có thể “quyết được”. Do vậy, “bệnh viện bảo nhau mạnh dạn tự chủ đi, việc này chỉ có tốt thôi”, “anh em đoàn kết, bảo nhau cùng làm, nếu bệnh viện thực sự tự chủ, bà con sẽ được lợi rất nhiều” – Phó Thủ tướng nói.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Trần Mạnh

 Chắt chiu kinh phí đầu tư cho con người

Tiếp thu các ý kiến của Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, dù điều kiện ngân sách còn khó khăn, nhưng địa phương luôn “chắt chiu kinh phí”, đầu tư cho y tế, giáo dục, đầu tư con người thì “tỉnh không tiếc đâu”. Tuy đã đạt được những thành tựu, nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn, hạn chế (cả về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, năng lực cung ứng dịch vụ, nhận thức của cán bộ và người dân),… nhất là trong bối cảnh cơ chế còn có những vướng mắc, hệ thống chính trị và người dân địa phương đang phải đối mặt với những thách thức mới, tỉnh sẽ nghiên cứu, mạnh dạn áp dụng thí điểm những mô hình mới, cách làm hay trong lĩnh vực y tế, giáo dục để phục vụ tốt nhất cho người dân.

Theo báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trình bày, đến cuối năm 2018, tổng số nhân lực y tế toàn tỉnh là 8453 người; mạng lưới y tế trên địa bàn được củng cố và tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, đã có 6 bệnh viện tuyến tỉnh, với tổng số 2720 giường bệnh tự chủ tài chính nhóm 2 (tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên), giúp giảm chi ngân sách trên 200 tỷ đồng/năm...

Về lĩnh vực giáo dục, mạng lưới giáo dục đào tạo của tỉnh đã được quy hoạch lại từ năm 2008, các cơ sở giáo dục sắp xếp theo hướng: Sáp nhập những cơ sở có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất tạm bợ, giảm điểm phụ có cự ly gần nhau, hình thành trường 2 cấp học THCS - THPT. Đến nay, hệ thống trường lớp các cấp từ mầm non đến phổ thông đã phủ khắp 156/156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đến cuối năm học 2018 - 2019, An Giang đã có 52/182 trường mầm non, 83/328 trường tiểu học, 53/156 trường THCS và 18/48 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục qua các kỳ thi quốc gia và địa phương được tỉnh tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, An Giang có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,36%, riêng hệ phổ thông đạt 98,8%./.

Trần Mạnh - (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu