Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, tập trung tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương cũng như tìm cách tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn giữa hai nước.
Nâng cao tốc độ thông quan cửa khẩu
Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỉ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc chiếm tỉ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 19,8 tỉ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân là do dù đã mở cửa biên giới từ ngày 8-1-2023, song kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi nhanh, tình trạng thất nghiệp đã tác động trực tiếp tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân Trung Quốc; cùng với yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng hóa...
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, song giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng 2,9%, chiếm tỉ trọng 20,4%.
Ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu rau quả tăng tại thị trường Trung Quốc một phần là do trong tháng 4, nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng giờ hoạt động mỗi ngày để tiếp nhận xe hàng. Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, bên cạnh các giải pháp thường xuyên để xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, sẽ nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao tốc độ thông quan hàng hóa.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng, UBND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và chính quyền Khu Tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, Trung Quốc đã ký Thỏa thuận khung về cùng thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm đẩy mạnh giao thương.
Kho hàng thanh long của một doanh nghiệp tại Bình Thuận, xuất khẩu chủ lực sang Trung QuốcẢnh: AN NA
Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch
Hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa...
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu nông sản. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến nay Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Từ nửa cuối năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập thị trường rộng lớn này. Tháng 4 và tháng 5-2023, xuất khẩu sầu riêng gia tăng mạnh mẽ. Việt Nam đã chính thức xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tạo đà cho bước tăng trưởng của ngành hàng này. Tháng 4 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, 70% các sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ. Đây là cửa ngõ để chúng ta đưa nông sản Việt Nam vào sâu thị trường Trung Quốc, đồng thời cũng là lợi thế để chúng ta xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian tới. Qua làm việc, các tỉnh của Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam khẳng định họ luôn xác định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết phía Trung Quốc cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NN-PTNT là sau đại dịch cần kết nối chuỗi cung ứng nông sản thông qua các diễn đàn xúc tiến thương mại thường xuyên và luân phiên giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam.
Đồng thời, đồng ý với đề xuất của phía Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và Quảng Tây để tạo "sân chơi" cho doanh nghiệp hai nước, từ đó xây dựng chuỗi cung ứng nông sản. Hiện nay, vấn đề hạn chế nhất đó là xây dựng chuỗi cung ứng nông sản lạnh để bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu ra thế giới.
Cục Hải quan Nam Ninh (Quảng Tây) và Cục Hải quan Côn Minh (Vân Nam) đã thống nhất được nhiều vấn đề, trong đó, phía Vân Nam sẽ xem xét, tạo điều kiện thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.
Hợp tác trong quản lý thị trường
Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký và trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc. Mục tiêu chính của biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập một khuôn khổ hợp tác tổng thể giữa hai bên tuân thủ luật pháp, quy tắc, quy định và chính sách quốc gia có liên quan có hiệu lực ở quốc gia mình, thiết lập và phát triển hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường.
Hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường như công tác phòng chống và xử lý hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.