Thứ sáu, 01/05/2020,10:19 (GMT+7)
Mô hình nuôi ốc mới lạ
Không chỉ tích cực vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thực hiện phong trào lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, anh Nguyễn Hồng Khương, Bí thư Chi đoàn khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn với tính ham học hỏi, chịu khó tìm hiểu và ứng dụng đạt hiệu quả mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm và ốc bươu đen sinh sản. Thành công của mô hình đã giúp gia đình anh tăng thêm thu nhập, đồng thời, tạo ra hướng “mở” cho ĐVTN địa phương.
Anh Khương thu gom trứng ốc đưa vào các vèo ấp và nuôi để bán con giống. 
 
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Khương tình nguyện đăng ký nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Năm 2010, sau khi hoàn thành công tác nghĩa vụ, anh làm công nhân ở tỉnh Vĩnh Long với mức thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Ba năm sau, anh Khương quyết định về nhà lên kế hoạch trồng rau nhút và bông súng.
 
Trong quá trình thực hiện, anh Khương nhận thấy ốc bươu đen trong tự nhiên sống thích nghi với những ao trồng bông súng. Thế là anh có ý tưởng phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen. Anh Khương cho biết: “Năm 2016, tôi mua 300kg ốc bươu đen thương phẩm về thả nuôi thử nghiệm trong ao bông súng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên ốc chết hàng loạt, tôi mất trắng khoảng 10 triệu đồng”. Không nản lòng, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật từ các mô hình nuôi ốc trên Internet, anh tiếp tục đặt mua 20.000 con ốc giống từ tỉnh Thanh Hóa với chi phí 20 triệu đồng về nuôi. Qua 4 tháng, ốc phát triển tốt và anh Khương đã có thu nhập. Anh Khương kể: “Ốc bươu đen sinh sản rất nhanh, chỉ hơn 4 tháng nuôi là tôi đã thu hoạch mỗi tháng từ 50- 100kg ốc thương phẩm. Sau hơn 1 năm nuôi, ốc đã sinh sản nhiều và thu hoạch mỗi ngày từ 50-100kg. Tùy vào thời điểm, ốc được các thương lái đến thu mua mỗi ký với giá 25.000-70.000 đồng. Khi trừ hết các chi phí, mỗi tháng tôi còn lời từ 20-30 triệu đồng”. Do nguồn ốc thương phẩm của ao nuôi không đủ cung cấp cho thị trường, những năm gần đây anh Khương còn đi thu mua ốc của người dân ở các tỉnh, thành lân cận về bán lại để kiếm lời. Trung bình, anh Khương thu mua từ 1-1,5 tấn ốc. Sau khi bán lại, anh Khương lời từ 2.000-3.000 đồng/kg.
 
Từ năm 2019 đến nay, anh Khương đã cải tạo lại diện tích ao nuôi phát triển mô hình nuôi ốc sinh sản kết hợp với ốc thương phẩm. Hiện tại, anh Khương đầu tư được 19 vèo chuyên nuôi ốc giống. Ốc bố mẹ được thả nuôi ngoài tự nhiên ở các ao và sau đó thu gom trứng về ấp nuôi trong vèo. Anh Khương chia sẻ: “Hiện tại, tôi nuôi được khoảng 300.000 con ốc bố mẹ. Trong quá trình ấp nuôi, ốc con có chế độ chăm sóc rất đặc biệt. Sau 1 tháng nuôi, ốc con to bằng đầu đũa ăn là xuất bán với giá 350-400 đồng/con”. Trung bình, mỗi tháng, anh Khương xuất bán từ 100.000-200.000 con ốc con. Sau khi trừ hết chi phí, anh Khương còn lời từ 20-30 triệu đồng. Nói về kế hoạch trong tương lai, anh Khương tiếp tục phát triển mô hình nuôi ốc thương phẩm kết hợp với ốc sinh sản, đồng thời mở thêm vựa thu mua ốc để gia đình có thêm thu nhập.
 
Anh Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Đoàn phường Thới Hòa, cho biết: “Với vai trò là Bí thư Chi đoàn khu vực, anh Khương là cán bộ đoàn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào do đoàn cấp trên phát động. Song song đó, anh Khương là tấm gương tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Mô hình nuôi ốc bươu thương phẩm kết hợp với ốc bươu sinh sản là mô hình hấp dẫn, có giá trị kinh tế cao, đáng được nhân rộng”.
 
Bài, ảnh: THANH THƯ - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu