Thứ sáu, 20/12/2019,07:22 (GMT+7)
Mở lối đi mới cho du lịch Long An
Long An có nhiều điểm tham quan hấp dẫn, thú vị nhưng việc khai thác, phát triển du lịch còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, ngành “công nghiệp không khói” này cần được mở lối đi mới để các tiềm năng, thế mạnh được khai thác và phát huy hiệu quả.
Nhiều điểm đến hấp dẫn
 
Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nối TP.HCM với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có đường biên giới dài tiếp giáp Vương quốc Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy tương đối hoàn thiện,… Đây là những điều kiện thuận lợi trong giao thương cũng như phát triển du lịch.
Long An có nhiều điểm đến tham quan hấp dẫn
 
Long An còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa với 111 di tích lịch sử - văn hóa (21 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia; 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trên 200 lễ hội với quy mô và tính chất khác nhau; 10 loại hình nghệ thuật truyền thống, 18 nghề truyền thống. Bên cạnh đó, mảnh đất hiền hòa, thơ mộng này còn có nhiều địa danh sông nước đi vào thơ ca; đồng thời, có điểm đến hấp dẫn, mang đậm nét riêng, “níu chân” du khách mỗi lần ghé thăm.
 
Trên chuyến hành trình, du khách đến Long An có thể chiêm ngưỡng nét đẹp cổ xưa của những căn nhà cổ khắp 3 miền tại Khu du lịch Làng cổ Phước Lộc Thọ, tọa lạc xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa. Không gian văn hóa 3 miền với những nét đặc trưng cùng cảnh tái hiện hoạt động mua - bán ở các khu chợ truyền thống, chợ nổi tại Khu du lịch Happyland (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) cũng là điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu cách sinh hoạt, đời sống cũng như nét văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam khắp các vùng, miền trên cả nước. Khu Công viên tượng đài “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (TP.Tân An) sẽ đưa du khách trở về với các giá trị
 
truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Điểm dừng chân này là nơi tái hiện quá trình sống, chiến đấu vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của quân và dân Long An ngày trước; đồng thời nhắc nhở, giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau phải phát huy tinh thần yêu nước, ra sức xây dựng quê hương, đất nước giàu, mạnh.
 
Từ TP.Tân An, du khách tiếp tục xuôi về vùng Đồng Tháp Mười, hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng những giây phút bình yên, thoải mái bên gia đình, bạn bè. Chèo xuồng ba lá, ngồi xuồng máy len lỏi trong các cánh rừng tràm, nghe tiếng chim hót, thưởng thức các món ăn dân dã, đậm chất hương đồng gió nội,... là những trải nghiệm thú vị, khó quên khi đến với Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa). Chị Lê Thanh Tuyền (ngụ quận 3, TP.HCM) vui vẻ nói: “Mỗi lần đến với Long An là một lần trải nghiệm mới mẻ đối với tôi. Nơi đây có nhiều điểm đến hấp dẫn, thú vị và cũng rất gần với TP.HCM nên thuận lợi trong việc đi lại. Dịp cuối tuần, gia đình tôi thường đi Làng nổi Tân Lập vì không khí ở đây mát mẻ, trong lành. Khi đi bộ trong những vạt rừng tràm, tận hưởng cảm giác hòa mình vào thiên nhiên, tôi và gia đình quên đi những bận bịu của cuộc sống thường ngày”.
Long An cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển du lịch
 
Chưa khai thác hết tiềm năng
 
Long An có nhiều điều kiện để phát triển du lịch nhưng hiện nay, ngành “công nghiệp không khói” này vẫn chưa phát huy hết những thế mạnh, tiềm năng để “cất cánh”.
 
Theo đánh giá, du lịch Long An vẫn còn “loay hoay” nhiều vấn đề. Các điểm đến tương đối nhiều nhưng các dịch vụ đi kèm vẫn còn thiếu; chưa hình thành được sản phẩm du lịch đặc trưng; các khu, điểm tham quan hoạt động đơn lẻ là chính; việc liên kết, kết nối tour, tuyến du lịch vẫn là bài toán nan giải đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như đơn vị làm du lịch,...
 
Ông Phạm Quốc Khánh, đại diện Khu du lịch Happyland, cho biết: “Thời gian qua, đơn vị tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, do đó, số lượng du khách đến tham quan tại đây tăng so với trước. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy hiện nay, lượng khách đến chưa ổn định, còn thấp so với yêu cầu. Chúng tôi mong muốn địa phương hỗ trợ, xúc tiến, liên kết với những địa phương khác để đưa hình ảnh đất và người Long An đến với nhiều du khách”.
 
Theo đại diện Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, khu đã đầu tư, cải tạo rất nhiều, tăng cường quảng bá, xúc tiến để thu hút du khách. Số lượng khách đến tăng so với trước, nhất là dịp cuối tuần. Tuy nhiên, khu du lịch vẫn mong muốn tiếp tục được địa phương hỗ trợ kết nối để quảng bá, xúc tiến, giới thiệu hình ảnh đến với du khách trong và ngoài nước.
 
Hướng đi mới
 
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng thông tin: Du lịch Long An những năm gần đây có những bước phát triển hơn trước. Hình ảnh đất và người Long An được nhiều bạn bè biết đến. Số lượng du khách ngày càng tăng, chất lượng phục vụ tại các khu, điểm tham quan ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, du lịch tỉnh nhà vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa thể phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Long An cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển du lịch
Long An cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển du lịch (Trong ảnh: Khu du lịch Happyland)
 
Long An định hướng, phấn đấu đến năm 2020, du lịch đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh và trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TP.HCM ở vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với hình ảnh đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và Khu vui chơi, giải trí Happyland.
 
Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, tôn tạo các điểm du lịch và đưa vào khai thác những hoạt động du lịch mới nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, khai thác các loại hình dịch vụ phục vụ khách tham quan; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ khác.
 
Trong khai thác tiềm năng, Long An quan tâm đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, nhất là đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong cụm, vùng và TP.HCM. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung quảng bá du lịch; xúc tiến mời gọi đầu tư, đào tạo kỹ năng nghề du lịch và trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch, phối hợp phát triển thêm các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến mới tạo sự hấp dẫn với du khách,...
 
“Với những định hướng, chiến lược cùng với vị trí thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, sự phân bố các điểm tài nguyên du lịch khá tập trung, hệ thống giao thông đường bộ và các điều kiện có liên quan đến phát triển du lịch ở Long An được cải thiện đáng kể thời gian qua,... tất cả hứa hẹn cho ngành du lịch Long An tăng tốc trong thời gian tới” - ông Nguyễn Anh Dũng tin tưởng./.
 
"Vấn đề đặt ra cho mục tiêu phát triển bền vững du lịch Long An hiện nay  không chỉ là sự nhiệt tình mà còn phải có sự đầu tư bài bản, kế hoạch mang tính chuyên nghiệp, hệ thống để du lịch thực sự là ngành “công nghiệp không khói” góp phần xứng đáng và có hiệu quả cao đối với các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
 
Long An cần xây dựng địa phương thành điểm đến du lịch nông thôn khác biệt với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, có tính liên kết cao với các điểm, cụm du lịch trọng điểm. Tỉnh cần phát huy những yếu tố mới của du lịch một cách sáng tạo, kết hợp khám phá văn hóa với nghỉ ngơi, giải trí, trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch đường sông theo hướng chú ý gia tăng trải nghiệm cho du khách".
 
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng - Giảng viên cao cấp Trường Đại học  Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội Du lịch TP.HCM
Thanh Mỹ - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu