Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm cam “Vinh”. Theo đó, bên cạnh việc bổ sung giống cam V2, còn mở rộng khu vực địa lý cho cam “Vinh” từ 12 xã thuộc 5 huyện lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An.
Nâng thêmdanh tiếng
Theo Trung tâm Thẩm định CDĐL và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ - SHTT), trong chỉ dẫn địa lý cam “Vinh” trước đây chỉ giới hạn trong 3 giống cam được trồng ở 12 xã thuộc 5 huyện là vùng đã được du nhập các giống cam đầu tiên vào tỉnh Nghệ An và đây cũng được xác định là vùng lõi của sản phẩm cam “Vinh”.
Thế nhưng, việc chỉ giới hạn 3 giống cam và khoanh vùng CDĐL trong 12 xã thuộc 5 huyện (với diện tích trồng cam trong vùng chỉ dẫn địa lý là 5.000 ha) nêu trên là chưa phản ánh hết được thực trạng sản xuất cam của tỉnh. Trước thực trạng đó, tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu giống cam V2, một giống cam chín muộn có khả năng thích nghi, phát triển tốt và phù hợp điều kiện địa lý của một số khu vực trồng cam khác trong tỉnh.
Qua tìm hiểu được biết hơn 2 năm nay, cam Vinh đã được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc (vụ cam năm ngoái, ước tính có hơn 1 triệu quả cam Vinh được dán tem điện tử). Trong đó, cần ghi nhận vai trò tích cực của các HTX trong tỉnh, như: HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Xuân Hợp, HTX sản xuất kinh doanh cam Phùng Huyền; HTX Dịch vụ tổng hợp Tấn Thanh.
Theo các chuyên gia, việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc và mở rộng CDĐL sẽ nâng cao thêm danh tiếng, uy tín của cam Vinh nói riêng hay một số cây chủ lực ở các địa phương đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý trước đó. Việc này được cho là giúp xóa bỏ các bất lợi trước đây (như giá bán không cao, thất thu về lợi nhuận, bị thương lái ép giá) đối với những hộ nông dân trong những xã, huyện chưa được đăng ký vùng CDĐL.
Như hồi tháng 7 năm ngoái, Cục SHTT đã có quyết định sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Kon Tum, vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh từ 2 xã ban đầu được công nhận năm 2016 là Ngọc Lây và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), được mở rộng thêm 7 xã gồm: Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp (huyện Đăk Glei) và xã Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi và Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).
Với 9 xã được công nhận chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh đã nâng tổng diện tích trồng loại cây chủ lực này lên gần 17.000 ha. Còn ở tỉnh Quảng Nam, sâm củ Ngọc Linh cũng đã mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL với 8.933,6 ha, gồm 6 xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (huyện Nam Trà My).
Mở rộng CDĐL giúp cây chủ lực của các địa phương nâng thêm danh tiếng
Lo giả mạo sản phẩm
Và hiện nay, nhằm tạo đầu mối cung cấp sâm ổn định cho nhà máy chế biến, huyện Nam Trà My đã thành lập được HTX sâm Ngọc Linh, được xem là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển bền vững vùng nguyên liệu sâm.
Trong việc mở rộng CDĐL cho cây chủ lực ở địa phương, có lẽ cũng nên tìm hiểu thêm về nho Ninh Thuận. Theo Ths. Đỗ Thị Nâng (Học viện Tài chính), từ năm 2012 nho Ninh Thuận đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ CDĐL và cũng có những thăng trầm.
Diện tích nho tỉnh này gia tăng mạnh vào những năm 2002 - 2004 đạt gần 2.000 ha, những năm tiếp theo thì giảm dần cho đến năm 2011 chỉ đạt 578 ha. Từ năm 2012 đến nay, tổng diện tích nho trồng toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 1.220 ha, tập trung chính ở: Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Phan Rang - Tháp Chàm… Sản lượng hàng năm ước đạt 31.310 tấn với tổng giá trị thu hàng năm vào khoảng 830 tỷ đồng.
Cũng cần ghi nhận vai trò của HTX ở tỉnh Ninh Thuận trong việc phát triển cây nho chủ lực đã được bảo hộ CDĐL này. Đơn cử như HTX Nho Evergreen Ninh Thuận ở Tp.Phan Rang - Tháp Chàm đã đẩy mạnh liên kết hai chiều, giữa HTX với nông dân và HTX với doanh nghiệp nhằm tăng tính hiệu quả cho việc tiêu thụ nho Ninh Thuận. Năng lực sản xuất hiện tại của HTX này là 24 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn nho, doanh thu đạt 5 tỷ đồng.
Thực ra, tiềm năng mở rộng diện tích đất trồng nho của tỉnh là đến 7.905 ha, trong đó 4.447 ha có tính thích nghi cao. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nông sản khác của Việt Nam nói chung, cây nho của tỉnh Ninh Thuận còn gặp tình trạng sản xuất mang tính tự phát.
Mặt khác, theo chuyên gia Đỗ Thị Nâng, đối với những người kinh doanh nho Ninh Thuận ở ngoài tỉnh là trung gian đưa nho Ninh Thuận tới người tiêu dùng ngoài tỉnh. Đó là những siêu thị, cửa hàng, người bán buôn, người bán lẻ. Họ kinh doanh dựa vào danh tiếng của sản phẩm và là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị nho Ninh Thuận.
Tuy nhiên, ở mắt xích này, các nhà kinh doanh cũng phải đối mặt với những vấn đề chung đó là “sự giả mạo của sản phẩm” cùng loại trên thị trường. Nhất là sự thiếu thông tin của người tiêu dùng về nho Ninh Thuận như hình dáng, màu sắc, mùi vị nho Ninh Thuận như thế nào thì nhiều người tiêu dùng còn khá mơ hồ, mặc dù họ đã biết về danh tiếng của sản phẩm.
Các chuyên gia lưu ý, dù Nhà nước đã nỗ lực bảo vệ ngành nho Ninh Thuận bằng việc cấp văn bằng bảo hộ CDĐL, thì việc triển khai các hoạt động nhằm phát huy vai trò của CDĐL còn nhiều trở ngại.
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)