Thứ sáu, 03/01/2020,07:21 (GMT+7)
Mở tour về miệt dưới
Chợ nổi vốn dĩ là cái hiển nhiên của văn minh miền sông nước Nam Bộ. Còn ở miền Tây, hai chợ nổi được cư dân nơi đây nhắc đến nhiều nhất đều gắn với từ “ngã” của biết bao ngã sông- đó là chợ nổi Ngã Bảy và Ngã Năm.
Chợ nổi Ngã Năm.Ảnh: Cao Long (Sóc Trăng)
Chợ nổi Ngã Năm.Ảnh: Cao Long (Sóc Trăng)
 
Tuy nhiên, như bao chợ nổi khác, quá trình văn minh, phát triển mạnh mẽ giao thương đường bộ và sự đổi thay của tập quán bán buôn nên nhiều chợ nổi có xu hướng dần thu hẹp lại và ngày càng trở nên đìu hiu.
 
Gần đây, địa phương cùng với doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển chợ nổi trở thành điểm nhấn đặc trưng của du lịch đồng bằng.
 
Trên đường xuôi về miệt dưới, đã bao lần ngang qua chợ Ngã Bảy- mà nghe cái tên đã thấy đậm đặc miền Tây rồi. Trong khi chợ nổi Cái Bè đã không còn mấy hấp dẫn nữa, thì ở đây việc buôn bán vẫn khá nhộn nhịp, hấp dẫn.
 
Vừa rồi, anh Phan Đình Huê- một chuyên gia du lịch nhiều năm gắn bó, nghiên cứu du lịch đồng bằng- có cho biết, sắp tới sẽ tổ chức đoàn famtrip cho các doanh nghiệp Đức đi khảo sát dọc đường sông từ TP Cần Thơ kéo dài xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
 
Nhằm xây dựng tuyến du lịch mới, khai thác sâu hơn văn hóa bản địa đồng bằng. Trong đó, các chợ nổi được lưu tâm đặc biệt.
 
Lãnh đạo Công ty Du lịch Bến Thành cũng xác định sẽ phối hợp cùng địa phương xây dựng phương án bảo tồn một cách tốt nhất, để chợ nổi Ngã Năm, Ngã Bảy trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Đây đều là những tin đáng mừng.
 
Vì hiện nay, tuyến du lịch dành cho du khách quốc tế chưa thật sự đi sâu về những địa phương thuộc về Nam sông Hậu; trong khi nơi đây chứa đựng sự giao lưu, giao thoa những nền văn hóa dân tộc rất độc đáo. Trong đó, cũng là cách để “giải cứu” các gói tour có yêu cầu về chợ nổi.
 
Riêng cái chợ Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) này thôi, có miên man bềnh bồng cả ngày chưa biết chán, nó còn giữ lại nét chợ quê Nam Bộ, trong cách mua bán, giao đãi cùng nhau. Những tiếng mời, chào hỏi nhau cũng có đôi phần pha trộn ngôn ngữ, văn hóa Kinh- Hoa- Khmer rõ nét.
 
Cũng như bao chợ ở các bến sông khác, chợ Ngã Bảy đóng vai trò của một chợ đầu mối sỉ- lẻ dạng “bách hóa”, thứ gì cũng có.
 
Nhưng đó là chợ Ngã Bảy trên bờ, còn dưới sông thì chuyên hàng nông sản, cây trái được bán mua theo phương thức đậm đặc chất Nam Bộ “mùa nào trái nấy”, bán gì cũng bán- mua gì cũng mua, bởi lẽ, chỉ có những khách thương hồ mới biết được ở đâu đang cần cái gì, mua cái gì chở đi thì bán được. Đơn giản vậy thôi.
 
Mùa nước lũ đầu mùa miệt trên thiếu rau xanh, bầu bí… xuống Ngã Bảy bổ hàng về bán. Mùa chôm chôm, măng cụt, mận… lại chở xuống Ngã Bảy. Đại khái về chợ nổi là như vậy.
 
Cặp theo mé kinh về Lái Hiếu (1 trong 7 ngã kinh), trước cửa chợ Ngã Bảy bán hàng thực phẩm và rau cải. Con đường chạy trước nhà lồng chợ đang được tu sửa, trải nhựa, lên lề. Cặp theo bờ sông chạy ra vàm Cái Côn đã kín nhà lầu của các chủ hiệu buôn.
 
Riêng cặp theo mé bờ kinh xuôi về Lái Hiếu, Búng Tàu… thì vẫn còn chừa lối đi ven sông và được kè đá. Có vẻ như đây vẫn còn giữ được đôi chút của “ngã bảy chợ xưa” với ghe, xuồng và vỏ lãi các loại đậu cặp bờ ken dày.
 
Hàng mà các ghe bổ đi chủ yếu là các loại rau màu, thực phẩm. Đông nhất là quãng từ 5 giờ sáng cho đến tầm non 9 giờ thì thưa hẳn.
 
Thực hiện chủ trương “chỉnh trang đô thị”, chợ nổi phải dời lên trên vàm Ba Ngàn (ngả Cái Côn- cách nơi cũ non 3km). So với chợ cũ thì mật độ ghe xuồng bán buôn ở đây bây giờ đã “bớt sung”. Mỗi buổi chợ giờ chỉ có khoảng 50 ghe, vỏ lãi lên hàng, xuống hàng
 
Về thị tứ Ngã Năm chính là giữa vùng rốn phèn- tiếp giáp các tỉnh- thành: Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu và Sóc Trăng; vậy mà thành cái chợ nổi ở đây chắc cũng có lịch sử hơn trăm năm rồi.
 
Kênh Quản Lộ- Phụng Hiệp hình thành hai ngã- một ngã xuôi về Bạc Liêu, Cà Mau, một ngã ngược lên Ngã Bảy để ra sông Hậu.
 
Ba ngã còn lại là rạch Cái Trầu đổ ra Phú Lộc - Thạnh Trị, rạch Xẻo Chích đi về Vĩnh Quới- Ngan Gừa, ngả thứ năm là kênh Xáng Chìm đổ về Trà Bang ra sông Cái Lớn nay thuộc huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Năm ngã hợp thành hình ngôi sao xòe rộng giữa vùng đồng đất bằng phẳng, xưa đầy lung, bàu và phèn, vốn chỉ hợp với cỏ năng.
 
Hàng hóa ở đây không thiếu món gì, từ hàng xa xỉ phẩm, kim khí điện máy cho đến bán buôn vàng bạc... Nhưng đó là chợ Ngã Năm ở trên bờ, còn với Ngã Năm chợ nổi, những mặt hàng rau trái, củ quả... nói như cư dân ở đây thì “đồ hàng bông” mới là đặc thù của chợ.
 
Chợ nổi Ngã Năm đóng vai trò cung cấp sỉ “đồ hàng bông” để các bạn thương hồ “bổ hàng” đổ về các ngã chợ khác.
 
Vai trò đầu mối hiện rõ qua sức chở của những chiếc ghe khẳm hàng neo bên bờ sông. Chợ nổi Ngã Năm lúc nào cũng “họp chợ”, có khác chăng là bán buôn có đông hay không mà thôi, bạn thương hồ có nhộn nhịp ngược xuôi hay không mà thôi.
 
Đến chợ nổi Ngã Bảy, Ngã Năm, nếu không phải khách thương hồ mà chỉ thuần túy là một khách “phượt”, chí ít cũng nên dành thời gian một ngày đêm khám phá chợ nổi.
 
Đi chơi chợ nổi không chỉ là đi để ngắm cảnh xuồng ghe tấp nập bán buôn, xem những hàng bẹo ngộ nghĩnh dập dềnh trên sông nước... mà là đến với tầng “sâu nhất” văn hóa của sông nước bản địa, là cội nguồn sáng tạo nên nền kinh tế thương hồ Nam Bộ từ thuở xưa.
 
Mở tour về hướng này là cách để làm mới và phong phú những gói tour về đồng bằng; đồng thời cũng là cách tốt nhất để có thể bảo tồn nét đẹp bán buôn miền sông nước.
 
NGỌC TRẢNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu