Thứ tư, 22/04/2020,10:56 (GMT+7)
Mộc Hóa: Nông dân trồng dưa gặp khó vì hạn, mặn
Huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An có hơn 300ha dưa hấu, chủ yếu tập trung tại ấp Bình Đông, xã Bình Hòa Trung. Năm nay, thời tiết bất lợi, hạn, mặn kéo dài cùng với dịch bệnh Covid-19 nên nông dân gặp khó khăn trong 2 vụ dưa vừa qua.
Cánh đồng dưa hấu tại xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa
 
Khu vực ấp Bình Đông, giáp sông Vàm Cỏ Tây và kênh Cái Dứa có hệ thống đê bao lửng, nông dân trồng dưa nhiều vụ trong năm. Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân trồng dưa tại ấp Bình Đông, chia sẻ: “Năm nay, tôi thuê 6ha đất trồng dưa. Tuy nhiên, do nước mặn xâm nhập sớm và kéo dài nên trái dưa vụ này không phát triển đạt kích thước như mong muốn. Vì đầu tư phân thuốc khá nhiều nên tôi bị thua lỗ, có hecta mất trắng vì thương lái chỉ mua với giá từ 4.000 - 5.500 đồng/kg”.
 
Còn chị Mai Thị Hạnh cũng là nông dân chuyên trồng dưa tại địa phương cho biết, "2 vụ dưa trong năm nay, gia đình tôi bị lỗ từ 30 đến 40 triệu đồng/ha”.
 
Anh Nguyễn Minh Úc - chuyên thu mua dưa, cho biết: “Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết, hạn, mặn, dưa hấu tuy có sản lượng nhưng chưa đạt chất lượng về kích thước nên rất khó xuất khẩu, trái nhỏ nên dưa bị "dạt" nhiều, chủ yếu tiêu dùng trong nội địa. Do đó, nhiều nông dân bị thua lỗ”.
Thương lái thu mua dưa của nông dân
 
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, vụ dưa vừa thu hoạch vào tháng 4/2020 thì nông dân có lãi nhưng không nhiều. Tuy nhiên, vụ trước đó (sau Tết Nguyên đán) thì nông dân bị thua lỗ rất nặng, vì thương lái chỉ thu mua với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
 
Được biết, diện tích trồng dưa toàn xã Bình Hòa Trung ước khoảng 360ha, trong đó có 1/3 là người địa phương trồng, còn lại 2/3 là từ nơi khác đến thuê đất. Tuy nhiên, việc tiêu thụ dưa chưa ổn định, chủ yếu do các thương lái đến thu mua. Ngoài ra, nông dân còn gặp khó khăn trong khâu chọn giống, vật tư và kỹ thuật trồng dưa.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thành Nam cho biết: “Năm 2020, nông dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng hạn, mặn và dịch bệnh. Để hỗ trợ, tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng dưa, đối phó hạn, mặn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tăng cường yêu cầu các xã đăng ký số hộ cần tập huấn, phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa. Đồng thời, trước mùa vụ, nông dân cần theo dõi, cập nhật thông tin về thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt có biện pháp tích trữ nước ngọt nhằm đối phó với hạn, mặn hiệu quả”.
 
Nhiều nông dân rất mong mỏi ngành chức năng hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp thu mua hoặc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hợp đồng chặt chẽ với nông dân để bao tiêu đầu ra và hỗ trợ về giống, vật tư để không còn lâm vào cảnh “được mùa mất giá” hay "được giá mất mùa"./.
 
Đ.Lâm - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu