Chủ nhật, 28/02/2021,16:29 (GMT+7)
"Mona Lisa trong mộ cổ Ai Cập": sinh vật đã biến mất khỏi Trái Đất
Một bức tranh tinh xảo trong Nhà nguyện Itel, thuộc cụm lăng mộ của hoàng tử Ai Cập Nefemaat và vợ là công chúa Itet, người từng được mệnh danh là "Mona Lisa của Ai Cập".
Nguyên nhân của sự ví von đầy trân trọng này là vì sinh vật trong tranh được vẽ rất đẹp, bằng một kỹ thuật vẽ khác thường. Nó được tạo ra bằng cách chạm khắc các hoa văn có khía sâu vào thạch cao, sau đó được tô bằng hồ màu với những màu sắc hiếm để tạo ra hình ảnh chân thực nhất. Công nghệ vẽ này chỉ tồn tại duy nhất ở mộ Nefemaaat và Itel, thể hiện trình độ không tưởng của người Ai Cập 4.600 năm trước. Nó được khai quật vào những năm 1800.
Mona Lisa trong mộ cổ Ai Cập: sinh vật đã biến mất khỏi Trái Đất - Ảnh 1.
Hình ảnh sinh vật bí ẩn trong bức bích họa tinh xảo - Ảnh: BẢO TÀNG AI CẬP
 
Nhóm khoa học gia từ Đại học Queensland (Úc) đã phân tích bức tranh một lần nữa, kết hợp giữa Ai Cập học, sinh vật học và cổ sinh vật học để đi đến một kết luận bất ngờ: đó là bức tranh mô tả một sinh vật đã tuyệt chủng và chưa từng được người hiện đại trên khắp thế giới biết đến!
 
Theo bài công bố vừa đăng tải trên Journal of Archaeology Science: Reports, loài tuyệt chủng có các mảng màu đỏ, đen, trắng trên mặt, cánh xám với các vết trắng và bộ ngực màu đỏ lốm đốm, có thể là họ hàng của ngỗng ngực đỏ hiện đại. Như vậy, bức tranh từ lăng mộ ai cập chính là tài liệu duy nhất trên thế giới về sinh vật có hoa văn đặc biệt này, theo tiến sĩ Anthony Romilio, tác giả chính của nghiên cứu.
Mona Lisa trong mộ cổ Ai Cập: sinh vật đã biến mất khỏi Trái Đất - Ảnh 2.
Lăng mộ của hoàng tử Ai Cập Nefemaat và vợ là công chúa Itet - Ảnh: JUAN R.LAZARO
Nói trên Daily Mail, tiến sĩ Romilio cũng khẳng định phát hiện này còn là minh chứng sống động cho "Sahara xanh". Một số nghiên cứu địa chất học trước đó cho thấy Sahara chỉ mới khô cằn khoảng hơn 4.000 năm về trước, trong một tiến trình sa mạc hóa kéo dài khoảng 1.000 năm. Sahara cổ đại có một thế giới động vật phong phú với nhiều sinh vật độc đáo, có lẽ đã tuyệt chủng khi vùng đất dần hóa sa mạc, nhiều loài trong số đó được mô tả trong các đền thờ và lăng mộ pharaon.
 
"Các tác phẩm nghệ thuật từ di tích này mô tả chân thực về nhiều loài chim và động vật có vú khác. Về sinh vật này, tôi đã áp dụng các tiêu chí Tobias cho ngỗng, cùng với các loài ngỗng khác trong bức bích họa. Đây là một phương pháp cho phép định lượng các đặc điểm chính của loài chim và củng cố giá trị của thông tin đối với ngành động vật học và sinh thái học" - tiến sĩ Romilio nhấn mạnh.
 
Sinh vật mới này vẫn đang được tạm gọi là "ngỗng Meidum", là cái tên nó được đặt từ lâu khi bức bích họa được khai quật. Bức tranh quý giá đang được bảo quản ở Bảo tàng Ai Cập tại thủ đô Cairo.
 
Anh Thư - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu