Tác động kép
Thời gian gần đây, thép giá rẻ nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga… vào Việt Nam tăng nhanh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2019, nguồn sắt thép từ Trung Quốc đổ vào thị trường Việt Nam lên hơn 5 triệu tấn; thép Ấn Độ, Nhật Bản nhập vào Việt Nam trên 2 triệu tấn, trị giá khoảng 10 tỷ USD. Trong khi đó, kết thúc năm 2019, xuất khẩu thép của chúng ta giảm hơn 50% cả về lượng lẫn trị giá so với năm 2018. Tình hình tiêu thụ của thị trường trong nước cũng hết sức ảm đạm. Điều nghịch lý là dù tiêu thụ giảm nhưng tổng công suất thép lại tăng, khiến cho doanh nghiệp (DN) sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Sản xuất thép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ĐỨC THIỆN
Theo các DN, việc tiêu thụ gặp khó khăn nguyên nhân không chỉ từ sức ép cạnh tranh giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu, mà còn do ảnh hưởng bởi sức ép gia tăng từ chiến tranh thương mại, các nước đều đưa ra rào cản thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.
Một nguyên nhân khác, khi ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay đối với bất động sản, các công trình xây dựng giãn tiến độ chậm lại, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiêu thụ thép. Những tác động xấu đó khiến cho việc sản xuất kinh doanh của DN trong ngành năm qua gặp khó, phải cắt giảm sản xuất. “Hầu như tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm thép không tăng trưởng, đặc biệt các sản phẩm tôn, ống thép… giảm lượng tiêu thụ, tồn kho nhiều.
Theo đà này, tình hình sản xuất kinh doanh chưa thể khởi sắc, thậm chí chiều hướng xấu còn kéo dài tiếp”, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra nhận định. Để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, theo VSA, hiện nay DN ngành thép rất cần nguồn tài chính đầu vào, ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Song song đó, cần các rào cản thương mại đủ mạnh nhằm ngăn chặn sản phẩm sắt thép nhập khẩu kém chất lượng tràn vào, đang làm xáo trộn thị trường giá cả trong nước. Tháo gỡ được những gánh nặng này thì thị trường thép mới hy vọng khởi sắc.
Chủ động nguyên liệu
Khó khăn thêm chồng chất với ngành thép trong nước khi các vụ điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Trở lại với vụ việc mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo đó, những lô hàng thép CRS và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế lên đến 456%. Liên quan đến vấn đề này, VSA cho biết, ngay từ khi Mỹ ra quyết định khởi xướng điều tra (tháng 8-2018), VSA đã phối hợp làm việc với luật sư tại Mỹ, luật sư tại Việt Nam và các DN xuất khẩu để làm rõ thông tin, đề nghị ngành sản xuất trong nước phối hợp đầy đủ với cơ quan điều tra của Mỹ.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng kiến nghị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) trao đổi trực tiếp, đề nghị DOC xem xét tạo điều kiện cho các DN tham gia cung cấp thông tin, mở rộng diện cho phép DN tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, đồng thời phối hợp với cơ quan hữu quan của Việt Nam và Mỹ để ngăn chặn các hành vi gian lận, lẩn tránh bất hợp pháp. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã tham gia phiên điều trần do DOC tổ chức để bày tỏ quan điểm và có các cuộc họp với DOC để làm rõ đề nghị của Việt Nam.
Theo VSA, ngay khi nhận được thông tin Mỹ áp thuế khủng 456% lên thép Việt Nam khởi xướng điều tra thì ngành sản xuất thép trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất, xuất khẩu lớn, cũng đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Mỹ điều tra chống lẩn tránh.
Cụ thể, ngành thép đã chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào (thép cán nóng) từ nhiều nguồn khác cũng như mua thép cán nóng sản xuất trong nước, xây dựng hệ thống quản lý để phục vụ việc tự chứng nhận. Điều này sẽ giúp các DN Việt Nam giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thông qua sự việc này, VSA đưa ra khuyến cáo, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm chi phí; chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc mua nguyên liệu từ những quốc gia khác như Nhật Bản, Brazil, Áo, Bỉ… để sản xuất ra các sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ, nhằm giảm thiểu rủi ro.
LẠC PHONG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)