Thứ tư, 25/03/2020,07:28 (GMT+7)
Mua sắm từ xa thời dịch Covid-19
Nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh trong tỉnh đẩy mạnh các hình thức kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại và giao tận nơi... để thích nghi với việc khách hàng hạn chế đi mua sắm và ngại tập trung đông người.
Người dân hạn chế đi mua sắm và ăn uống tại quán nên các shipper phải làm việc liên tục để giao hàng tận nơi.
 
Theo ghi nhận, hiện nay ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đều có chương trình bán hàng qua điện thoại, hỗ trợ giao hàng tận nhà trước nhu cầu giảm tần suất đến siêu thị của người tiêu dùng. Đơn cử như hệ thống Saigon Co.op đã tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại trên toàn hệ thống trên 800 điểm bán, trong đó tại Hậu Giang có 2 siêu thị là Co.opMart Vị Thanh và Ngã Bảy. Hai siêu thị này cũng triển khai vận chuyển miễn phí bán kính 6km với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Các mặt hàng chủ yếu thuộc các nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ và hóa mỹ phẩm. Ngoài ra, tại quầy thanh toán còn chấp nhận thanh toán qua ví điện tử, góp phần hạn chế sử dụng tiền mặt để việc giao dịch nhanh chóng và đảm bảo an toàn. Đây là nhiều cách được các đơn vị thực hiện nhằm góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh mà vẫn đảm bảo được doanh số trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
 
Dù tại Hậu Giang chưa có trường hợp nào ghi nhận dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, nhưng nhiều người có tâm lý ngại ra ngoài ăn uống hơn so với ngày thường, điều này cũng làm các cửa hàng kinh doanh ăn uống phải tính đến “bài toán” giao hàng tận nhà để duy trì việc kinh doanh. Chị Trần Thị Lan Phương, quán ăn Vy Phong Garden, đường Lưu Hữu Phước, thành phố Vị Thanh, cho biết trong 2 tháng qua, lượng khách đến quán ăn đã giảm mạnh, nhiều khi lên tới 50%. Đây là khó khăn chung của nhiều người làm trong ngành dịch vụ ăn uống. Dù đặc trưng của quán là những món lẩu, nướng, phù hợp với nhu cầu thưởng thức tại chỗ nhưng chị phải mở thêm dịch vụ đặt món qua điện thoại và giao tận nơi miễn phí ở khu vực trung tâm thành phố từ cách nay 1 tuần. Đây là cách để bù lại phần nào lượng doanh thu hụt do khách giảm trong thời gian dịch bệnh. “Nếu tình hình khó khăn kéo dài, tôi phải nghĩ thêm nhiều cách để đẩy mạnh hình thức giao hàng, dịch vụ nhận làm tiệc tận nhà khách hàng dù số lượng ít để kéo doanh thu mới hy vọng cầm cự qua thời gian này”, chị Phương bộc bạch.
 
Còn tại quán trà sữa Rich Tea, đường Đoàn Thị Điểm, phường I, thành phố Vị Thanh, dù ít nhiều bị ảnh hưởng lượng khách tại chỗ nhưng đặt hàng qua điện thoại thì tăng, do đó doanh thu nhìn chung chưa bị ảnh hưởng. Chị Huỳnh Kim Phụng, chủ quán cho hay: Trong khoảng thời gian dịch bệnh, số lượng đơn đặt hàng qua điện thoại và mua mang về tăng khoảng 20%. Bù lại lượng khách đến quán giảm, nhất là đối tượng khách hàng học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ học.
 
Tuy vậy, chị Phụng cũng lo ngại nếu vì tình hình dịch bệnh kéo dài và có diễn biến xấu, chị đã tính đến trường hợp chuyển hẳn sang hình thức giao hàng tận nơi, làm thêm quầy mua mang về đặt phía trước và tạm ngưng phục vụ tại quán để đảm bảo an toàn. Bởi việc phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho khách hàng cũng như nhân viên vẫn được ưu tiên trên hết.
 
Một số cửa hàng kinh doanh các mặt hàng khác như gia dụng, mỹ phẩm, thời trang cũng đăng thông báo giảm thời gian mở cửa, tạm thời không bán hàng tại nhà, bán online cho đến khi dịch bệnh qua đi. Bù lại lượng khách mua trực tuyến là các kênh bán hàng qua facebook hay zalo vốn đã không xa lạ với những khách hàng có xu hướng tiêu dùng hiện đại nhất là giới trẻ.
 
Trái với không khí “trầm lắng” tại các cửa hàng, các trang thương mại điện tử lớn hiện nay, việc mua sắm vẫn diễn ra sôi động, các sản phẩm khẩu trang, nước rửa tay khô khử khuẩn nhanh… bày bán rất nhiều, thậm chí đa dạng hơn so với các cửa hàng. Tuy nhiên, so với hình thức mua sắm truyền thống, điểm làm người tiêu dùng còn băn khoăn đối với các dịch vụ thương mại điện tử là không thể trực tiếp lựa chọn hàng hóa để đánh giá và kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, hầu hết vẫn dựa vào “niềm tin” của người mua. Mới đây, theo thông tin từ Bộ Công thương thì Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp các trang thương mại điện tử rà soát và đã xử lý trên 11.000 gian hàng vi phạm, chủ yếu liên quan đến sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, người tiêu dùng khi lựa chọn các sản phẩm trực tuyến cũng cần cẩn trọng tránh để “tiền mất tật mang”.
 
Với kinh nghiệm mua hàng hóa online khá nhiều, chị Nguyễn Thị Phương Ba, ở thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Mua online thật ra khó kiểm soát được hàng hóa như bày bán bên ngoài. Tôi thường mua quần áo, đồ dùng ở các shop quen, mua nhiều lần nên tin tưởng chứ shop nào lạ cũng phải dè dặt và tìm hiểu kỹ các nhận xét của khách mua trước mới dám đặt mua. Còn các loại thực phẩm, tôi vẫn ưu tiên cách ra ngoài mua trực tiếp để tự tay chọn”.
 
Còn đối với những khách hàng kỹ tính thì dù mua hàng online cũng không thể thiếu các biện pháp an toàn mọi lúc mọi nơi. Chị Phạm Thị Liên, ở phường III, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Sau khi nhận hàng xong là tôi rửa tay ngay, còn nhận bên ngoài thì dùng nước rửa tay khô có cồn. Tôi còn thanh toán trực tuyến qua điện thoại luôn để không phát sinh thêm giao dịch tiền mặt khi nhận hàng”.
 
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu