Những ngày đầu hè, khi cơn mưa rào bất chợt cũng là lúc mùa trâm chín rộ. Đây cũng là thời điểm diễn ra mùa Vía Bà ở Châu Đốc, nên loại quả này còn được nhiều người gọi là đặc sản mùa Vía Bà. Những quả trâm chín mọng được bày bán khắp các nẻo đường, nhất là ở dọc các tuyến đường dẫn đến khu du lịch.
Bên cạnh cây thốt nốt thì cây trâm cũng được coi là một trong những loài cây đặc trưng ở An Giang. Đối với nhiều người vùng Bảy Núi, quả trâm đã từng gắn bó với một thời tuổi thơ đầy kỷ niệm. Quả trâm là cả một bầu trời tuổi thơ với những chiều theo chân chúng bạn hái đầy chiếc túi rồi khoe nhau thành quả. Trẻ con vô tư ngậm những quả trâm to tròn, mọng nước tím biếc đôi môi…rồi nhìn nhau cười. Đó chính là thức quà vặt tuổi thơ mà khó gì sánh bằng.
Đối với nhiều người vùng Bảy Núi, quả trâm đã từng gắn bó với một thời tuổi thơ đầy kỷ niệm. Ảnh: Hoàng Dũng.
Những tán trâm to mát còn là nơi tụ tập chơi đùa của trẻ con trong xóm. Có những đứa tinh nghịch trèo lên cây để ngắm nhìn ra đường tàu xe chạy và ngắm trọn vẹn những mênh mang của đồng quê, của quê hương, làng mạc,…
Hằng năm, từ cuối tháng 3 âm lịch là cây bắt đầu cho trái, bước vào khoảng tháng 5, tháng 6 là thời điểm chín rộ và kéo dài cho đến cuối tháng 7. Cây trâm có nhiều ở Tri Tôn (An Giang), nơi đây được biết đến với hai cánh đồng trâm Tà Pạ và đồng trâm núi Cô Tô.
Quả trâm nhỏ hơn ngón tay người lớn, khi sống màu xanh, già thì đỏ tươi và khi chuyển sang màu tím đậm, no tròn mọng nước là lúc trâm đã chín. Trâm chín chỉ cần rửa sạch là có thể dùng ngay, nhiều người còn ướp chung với muối ớt, thêm chút đường. Hòa lẫn vào vị ngọt thanh thanh của quả trâm chín là chút vị chua chua, chát nhẹ và mằn mặn, cay cay của muối ớt. Hạt trâm khá to nên người ăn chỉ thưởng thức được phần thịt bên ngoài. Sau khi dùng trâm, trên môi thường để lại màu tím đặc trưng mà ít loại trái cây nào có được.
Quả trâm nhỏ hơn ngón tay người lớn, khi sống màu xanh, già thì đỏ tươi và khi chín chuyển sang màu tím đậm. Ảnh: Hoàng Dũng.
Những quả trâm chín to tròn và mọng nước. Ảnh: Hoàng Dũng.
Cây trâm sinh trường hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, cây to lớn, tán lá rộng và xanh um. Đây là loài cây chịu được thời tiết khắc nghiệt, dù nắng gió, khô hạn hay mưa lũ nên được bà con An Giang xem như là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng Bảy Núi. Người dân địa phương không ai biết nguồn gốc của cây trâm bắt đầu từ đâu và có từ khi nào. Cây trâm đa số mọc thành từng hàng trên bờ ruộng. Tuy không tốn công chăm sóc nhưng công việc hái trâm cũng khá vất vả, quả trâm khá nhỏ và tán cây to nên để có được những quả ngon người hái phải leo trèo vất vả. Muốn hái trâm phải bắc thang mắc vào cành cây rồi buộc thêm dây vào cho an toàn. Công đoạn hái trâm cũng phải thật tỉ mỉ và cẩn thận để quả không bị dập. Người hái giỏi sẽ hái được khoảng 20-30kg quả mỗi ngày.
Quả trâm hiện nay không chỉ là món ăn dân dã mà còn mang lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con. Đối với mỗi gốc trâm từ 10 năm tuổi, mỗi ngày người dân thu hoạch được khoảng từ 6-8kg quả chín. Mùa trâm chín rộ kéo dài đến 2 tháng. Trâm hái xong nếu số lượng nhiều thì cân cho thương lái, ít thì bán lẻ cho người dân và khách du lịch. Giá trâm chín bán lẻ hiện nay dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, tùy loại lớn nhỏ, giá cân cho thương lái sẽ thấp hơn vài nghìn.
Quả trâm hiện nay không chỉ là món ăn dân dã mà còn mang lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con. Ảnh: Hoàng Dũng.