Thứ sáu, 15/11/2019,09:20 (GMT+7)
Mướp đắng trái vụ
Mướp đắng là loại cây phù hợp với đất thịt pha cát, dễ trồng, dễ chăm sóc, kháng rầy, chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
 
13-19-11_nong_dn_phong_dien_thm_qun_hoc_tp_kinh_nghiem_trong_muop_dng
Tham quan học tập kinh nghiệm trồng mướp đắng.
Dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư, nhưng năng suất cao và thích hợp với vùng đất cát; cùng với đầu ra ổn định, người dân vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã chuyển sang trồng cây mướp đắng trái vụ mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định.
 
Điền Hải là địa phương có diện tích cây mướp đắng lớn nhất trên địa bàn huyện Phong Điền với 8 ha, khoảng 80 hộ tham gia trồng, rải đều ở tất cả các thôn.
 
Ông Hoàng Văn Sanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điền Hải thông tin: Với lợi thế có sẵn mạch nước tự nhiên, thuận lợi cho mướp đắng phát triển, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa để trồng mướp đắng. Mỗi sào trồng mướp đắng sau khi trừ các chi phí có lãi khoảng 15 triệu đồng.
 
Riêng năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng trung bình mỗi sào vẫn lãi khoảng 13 triệu đồng, lợi nhuận gấp 10 lần trồng lúa. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra rất ổn định, mướp đắng được thương lái đến tận ruộng thu mua để cung cấp cho các chợ đầu mối ở Huế, Quảng Trị và Đà Nẵng.
 
Lão nông Hoàng Văn Đình ở thôn 1, xã Điền Hải là người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cây mướp đắng ở vùng cát. Trước đây ông có hơn 3 sào (khoảng 1.700 m2) đất trồng lúa kém hiệu quả, được chuyển đổi trồng mướp đắng.
 
Mỗi vụ mướp đắng cho thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/sào. Có năm, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với giá mướp đắng cao, hơn 3 sào mướp đắng của ông cho thu nhập hơn 75 triệu đồng. Ông Đình cũng là “địa chỉ” cung cấp giống chủ yếu cho người dân trong vùng, mỗi năm cung cấp khoảng 5.000 cây giống cho người trồng ở các xã Điền Hải, Điền Hòa và một số xã ở huyện Quảng Điền.
 
“Mướp đắng là loại cây phù hợp với đất thịt pha cát, dễ trồng, dễ chăm sóc, kháng rầy, chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Mướp đắng rất “mẫn cảm” với các loại thuốc hóa học, nếu phun thuốc hóa học sẽ làm cho cây “vón đọt” dẫn đến năng suất không cao, loài cây này chỉ phù hợp với các loại thuốc sinh học. Quả mướp đắng và rễ cây, thân cây đều được bà con tận dụng để phơi khô, mỗi sào cũng được 4 đến 5 bao rễ và lá, mỗi bao bán ra thị trường cũng được trên 100 ngàn đồng”, ông Đình chia sẻ.
 
Ông Cao Huy Mẫn, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết, xã đã có chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mướp đắng hữu cơ, VietGAP. Đồng thời đang nghiên cứu, bố trí quỹ đất phù hợp với vùng trồng mướp để hình thành vùng sản xuất tập trung và liên kết tiêu thụ, tạo thương hiệu mướp đắng Điền Hải. Đây cũng là sản phẩm chủ lực để xã xây dựng sản phẩm OCOP.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền cho hay: Các cấp Hội Nông dân tuyên truyền, vận động hội viên ở các xã vùng biển Điền Hòa, Điền Môn, Điền Lộc… có cùng điều kiện thổ nhưỡng chuyển sang trồng mướp đắng, bước đầu thực hiện có hiệu quả. Hội Nông dân huyện cũng đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở vận động nông dân thành lập các tổ hợp tác, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ.
VÕ TỨ - (nongnghiep.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu