Giám đốc điều hành (CEO) của một số công ty truyền thông xã hội hàng đầu đã tham dự phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hôm 31-1, đối mặt cáo buộc họ không bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bị bóc lột tình dục trên các nền tảng truyền thông xã hội của mình.
Theo đài CNBC, phiên điều trần diễn ra trong một căn phòng chật kín khách mời. Nhiều người trong số họ là cha mẹ của những em bị "kẻ săn mồi" trực tuyến nhắm đến.
Thượng nghị sĩ Dick Durbin, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, đã trích dẫn số liệu từ Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột, cho thấy sự gia tăng chóng mặt của vụ việc kẻ săn mồi lừa người vị thành niên gửi hình ảnh và video khiêu dâm cho chúng. Theo ông Durbin, sự gia tăng này được thúc đẩy bởi một điều, đó là những thay đổi trong công nghệ.
Tập đoàn Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, dường như là mục tiêu lớn nhất của các nhà lập pháp tại phiên điều trần, do số lượng người sử dụng khổng lồ và một loạt rắc rối pháp lý.
Tổng chưởng lý bang New Mexico - Mỹ gần đây kiện Meta không bảo vệ đúng mức cho người dùng trẻ tuổi trước tội phạm tình dục. Trong khi đó, mạng xã hội X (Twitter trước đây) bị chỉ trích nặng nề kể từ khi tỉ phú Elon Musk mua lại dịch vụ này và nới lỏng chính sách kiểm duyệt.
Xuất hiện lần đầu tiên trước các nhà lập pháp Mỹ kể từ tháng 3-2023, ông Shou Zi Chew, CEO TikTok, cũng đối mặt nhiều câu hỏi gay gắt. Một số ý kiến cho rằng ứng dụng này đang gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần trẻ em.
Trước sức ép ngày một tăng, CEO TikTok cho biết sẽ chi hơn 2 tỉ USD cho các nỗ lực liên quan đến niềm tin và sự an toàn. Theo ông Chew, hơn 170 triệu người Mỹ đang sử dụng TikTok mỗi tháng, cao hơn 20 triệu so với con số được công bố vào năm ngoái.
Ông Mark Zuckerberg phát biểu trước những người có mặt tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hôm 31-1Ảnh: REUTERS
Phiên điều trần trên diễn ra giữa lúc có nhiều nỗi lo các công ty truyền thông xã hội đặt lợi nhuận lên trên những biện pháp nhằm bảo đảm nền tảng của mình không gây hại cho trẻ em.
Sự kiện này ghi nhận sự đồng thuận hiếm hoi giữa các thượng nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về quan điểm các công ty truyền thông xã hội đang trực tiếp gây hại cho giới trẻ. Các nhà lập pháp cũng cho rằng Quốc hội Mỹ phải nhanh chóng thông qua luật để siết quản lý các công ty nói trên.
Nhiều nhà hoạt động hy vọng phiên điều trần mới nhất sẽ giúp khởi động nỗ lực quản lý công ty truyền thông xã hội thông qua các dự luật được đề xuất, như Đạo luật an toàn trực tuyến cho trẻ em (KOSA).
Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ đã chất vấn một số CEO công nghệ về các vấn đề liên quan đến chống độc quyền và sự riêng tư dữ liệu. Dù vậy, hiện vẫn chưa có dự luật nào được thông qua để thay đổi cách thức hoạt động của các công ty này.
Sau phiên điều trần mới nhất, giá cổ phiếu của các công ty công nghệ liên quan không có nhiều biến động bất chấp những chỉ trích gay gắt từ các thượng nghị sĩ. Điều này cho thấy Phố Wall dường như tin rằng hoạt động kinh doanh của các công ty này trước mắt vẫn chưa bị trúng đòn tài chính đáng kể từ các nhà lập pháp.
Lời xin lỗi của ông Mark Zuckerberg
Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Tập đoàn Meta ngày 31-1 trực tiếp xin lỗi những gia đình có trẻ em bị lạm dụng tình dục trên mạng xã hội. "Tôi xin lỗi vì tất cả những gì quý vị phải nếm trải" - ông Zuckerberg khẳng định tại phiên điều trần về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ.
Vốn không xa lạ với "ghế nóng" trước Quốc hội, ông Zuckerberg hứng chịu phần lớn chỉ trích dù ngồi cạnh những CEO công nghệ quyền lực của Snap, TikTok, X (trước đây là Twitter) và Discord. Trong phiên điều trần kéo dài nhiều giờ, theo hãng tin Bloomberg, CEO Meta đối mặt sức ép mạnh mẽ từ Thượng nghị sĩ Josh Hawley, người khẳng định Instagram (ứng dụng chia sẻ hình ảnh của Meta) không thể bảo vệ người dùng trẻ tuổi khỏi các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và nội dung khiêu dâm.
Thượng nghị sĩ Hawley tranh luận với nhà đồng sáng lập Meta về việc liệu nạn nhân bị xâm hại tình dục trực tuyến có nên được những công ty như Meta và những CEO như ông bồi thường hay không. Nhà lập pháp đến từ bang Missouri sau đó yêu cầu ông Zuckerberg xin lỗi những gia đình tham dự điều trần. "Gia đình của các nạn nhân đang có mặt tại đây. Ông đã xin lỗi họ chưa? Ông có muốn xin lỗi vì điều ông đã làm với những con người lương thiện này hay không?" - ông Hawley chất vấn. CEO Meta sau đó đứng dậy, quay mặt về phía gia đình các nạn nhân và xin lỗi.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, nhà lập pháp đi đầu trong nỗ lực bảo vệ trẻ em trực tuyến, cáo buộc CEO Meta tích cực thu hút người dùng trẻ tuổi đến với Instagram dù không thể bảo đảm an toàn cho họ. Cũng theo bà Blackburn, Meta đang cố gắng ngăn chặn nỗ lực của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ nhằm thông qua quy định áp đặt biện pháp kiểm soát trên mạng xã hội.
Cao Lực