Thứ bảy, 15/08/2020,07:27 (GMT+7)
Mỹ từ chối hợp tác vaccine với Nga
Nga đã đề nghị “hợp tác chưa từng có” với Mỹ về vaccine COVID-19, nhưng Washington không hào hứng với tiến bộ y tế của Mát-xcơ-va.
Thử nghiệm vaccine Sputnik V tại Viện Gamaleya, Nga. Ảnh: Reuters
 
►Mỹ hoài nghi
 
Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức cao cấp Nga tiết lộ nước này đã đề nghị hợp tác với Chiến dịch Thần tốc (OWS), chương trình chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vạch ra để tăng tốc phát triển vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả. Theo đó, Nga rất cởi mở với việc chia sẻ thông tin cho Mỹ về vaccine và điều này sẽ cho phép các công ty dược phẩm Mỹ sản xuất vaccine Nga ngay tại xứ cờ hoa. Mát-xcơ-va trước đó nói rằng một số hãng dược phẩm Mỹ quan tâm đến vaccine Nga, song không tiết lộ tên.
 
Các quan chức xứ bạch dương cho rằng Mỹ nên “xem xét một cách nghiêm túc” việc ứng dụng vaccine Sputnik V mà Nga vừa phát triển thành công bởi nó có thể cứu mạng nhiều người Mỹ.  Tính đến chiều 14-8, Mỹ ghi nhận hơn 5,4 triệu ca nhiễm COVID-19 với trên 170.000 người tử vong, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
 
Nhưng theo giới chức Mỹ, vaccine Nga được coi là nửa vời ở Mỹ đến mức nó thậm chí không thu hút được sự quan tâm một cách nghiêm túc trước khi được công bố. “Không đời nào Mỹ thử loại vaccine này trên khỉ, chứ đừng nói đến con người” - một quan chức y tế công cộng của Chính phủ Mỹ lên tiếng.
 
Riêng Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci “rất nghi ngờ” về mức độ an toàn và hiệu quả của Sputnik V. Ông khẳng định chưa “hề nghe bất cứ bằng chứng nào” cho thấy vaccine Nga an toàn.
 
Ngày 11-8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine COVID-19 dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba, bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng ngàn người. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định tiếp xúc với virus để theo dõi hiệu quả của vaccine, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.
 
►Đảng Dân chủ điều tra OWS
 
Trong khi đó, viện lý do thiếu sự minh bạch và có “những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức”, phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã mở cuộc điều tra đối với chương trình OWS của chính quyền Trump.
 
Trong thư gửi Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Alex Azar cùng hai cố vấn của OWS trong tuần này, Chủ tịch Ủy ban Ðặc biệt của Hạ viện về COVID-19 James Clyburn đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin về điều mà ông gọi là quy trình “không rõ ràng”, có thể làm xói mòn niềm tin của dân chúng về vaccine. Clyburn bày tỏ lo ngại về việc các chuyên gia bao gồm cả nhóm chuyên trách hỗ trợ phát triển vaccine thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã không được mời tham gia quy trình tuyển chọn vaccine thử nghiệm.
 
Gần đây, Tổng thống Trump xem việc phê chuẩn nhanh vaccine phòng COVID-19 là ưu tiên hàng đầu, cho rằng “vaccine sẽ có trước cuối năm nay và có thể sớm hơn nhiều”. Chủ nhân Nhà Trắng còn mạnh miệng nói vaccine có thể sẽ được cấp phép trước ngày bầu cử tổng thống 3-11 tới, cuộc “so găng” giữa ông với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
 
Giới chức Mỹ hôm 13-8 khẳng định người dân nước này sẽ được cung cấp vaccine ngừa COVID-19 miễn phí nếu nó chứng minh được hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh sẽ không có chuyện bỏ qua giai đoạn kiểm tra an toàn. Washington đã chi hơn 10 tỉ USD vào 6 dự án điều chế vaccine, nhằm cung cấp 300 triệu liều cho người dân vào tháng 1-2021.
 
HẠNH NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu