Thứ bảy, 25/07/2020,16:26 (GMT+7)
Nan giải với rác thải đô thị
Nhiều bãi chôn lấp đang trong tình trạng quá tải, nhiều nhà máy xử lý rác không có mái che, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác... là những nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường
Cuối tuần qua, sau cam kết của cơ quan chức năng TP Hà Nội, người dân đã dỡ lều bạt, dời điểm chốt chặn trước lối vào bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Những căng thẳng ở khu xử lý rác thải Nam Sơn không là chuyện cá biệt của riêng Hà Nội khi không ít tỉnh, thành trong cả nước cũng đối mặt với thực trạng khủng hoảng rác sinh hoạt.
 
38.000 tấn rác thải mỗi ngày ở khu đô thị
 
Hiện các khu xử lý rác thải ở Đà Nẵng, Huế đang quá tải; còn 2 bãi rác chôn lấp ở TP Hạ Long đóng cửa vì ô nhiễm; Quảng Ngãi, Hà Tĩnh cũng đã có những cuộc gặp căng thẳng giữa chính quyền và người dân về bãi rác chôn lấp gây ô nhiễm; Côn Đảo từng tính đến phương án "đóng gói" rác thải rồi vận chuyển vào đất liền để xử lý; người dân tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) luôn bị ám ảnh bởi mùi rác bốc lên từ khu xử lý rác thải Đa Phước. Mới đây, núi rác hàng trăm tấn tại thác Cam Ly (TP Đà Lạt) lại tiếp tục sạt lở, đổ ụp xuống thung lũng bên dưới, khiến nước các dòng suối đổi màu đen kịt…
 
Trở lại với bãi rác Nam Sơn, hơn 20 năm đi vào hoạt động đến nay đã có đến 7 lần dân chặn xe rác. Đặc biệt trong năm 2019, có ít nhất 3 đợt người dân Nam Sơn không cho các xe rác vào bãi. Mỗi lần như vậy, dân nội thành lại khổ sở vì hàng ngàn tấn rác dồn ứ, bốc mùi giữa phố.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng chất thải sinh hoạt ở các đô thị toàn quốc phát sinh đã là 38.000 tấn/ngày, tỉ lệ thu gom, xử lý hơn 85%. Con số này ở nông thôn là 32.000 tấn/ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%. Phương án xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp (70%), trong đó, nhiều bãi chôn không hợp vệ sinh khiến người dân sống xung quanh bức xúc.
 
Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô hơn 1 ha mới trong cả nước, chỉ có 120 bãi hợp vệ sinh. Còn lại, nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải đang trong tình trạng quá tải. Một số bãi chôn lấp rác thải quy mô lớn gây ô nhiễm cho cả khu vực rộng lớn với bán kính cả chục cây số. Nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp không được thu gom, xử lý triệt để gây ô nhiễm các nguồn nước mặt, thấm xuống đất gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Nhiều nhà máy xử lý rác đang tồn đọng hàng chục ngàn tấn rác thải chưa xử lý, chất đống tại các bãi hở, không có mái che, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, nước mưa chảy tràn, không có biện pháp xử lý mùi hôi. Đây đang là những nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nan giải với rác thải đô thị - Ảnh 1.
Hầu hết phương tiện thu gom rác thải của lực lượng thu gom rác dân lập ở TP HCM vẫn chưa được chuẩn hóa Ảnh: Thu Hồng
 
Thiếu quy hoạch, buông lỏng kiểm soát
 
Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân của tình trạng này không chỉ từ công nghệ xử lý rác mà là quá trình thu gom và xử lý chưa triệt để; công tác kiểm tra, kiểm soát quy trình xử lý thu gom rác còn buông lỏng. Trong khi đó, công tác quy hoạch những bãi chôn lấp rác cho TP vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.
 
Cho đến nay, chôn lấp là biện pháp rẻ tiền nhất, ít tốn kém nhất nên được sử dụng nhiều. Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nước đang phát triển vẫn áp dụng mặc dù công nghệ này không giải quyết hoàn toàn bài toán môi trường. Bất cập lớn hiện nay ở những bãi rác sử dụng công nghệ chôn lấp nhưng lại không làm tầng lót đáy tốt dẫn đến hiện tượng nước rác rỉ, gây mùi hôi.
 
Vấn đề thu gom và xử lý rác thải trên cả nước vẫn tiếp tục bị kêu khó do nhiều lý do khách quan: ngành tài nguyên - môi trường chưa có cách thức thống nhất về thu gom, vận chuyển rác giữa thành thị, nông thôn, giữa các địa phương; hoạt động thu gom thiếu chuyên nghiệp; ý thức của nhiều người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa tốt; chính quyền chưa quan tâm và thực thi hết trách nhiệm. Đặc biệt có một lý do rất quan trọng: chi phí thu gom, vận chuyển rác cao trong khi mức thu phí vệ sinh thấp và mang tính cào bằng.
 
Việc quản lý rác thải sinh hoạt theo mô hình tập trung cũng còn nhiều khó khăn giữa các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp thực hiện. Kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước nên còn hạn chế. Công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức từ chính quyền, các đoàn thể, tổ chức và người dân. Các chính sách ưu đãi đã được ban hành (về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, thuế, các chính sách hỗ trợ, tiêu thụ sản phảm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế từ chất thải…) nhưng việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó, chưa định hướng, lựa chọn được công nghệ xử lý phù hợp cũng như mô hình hoạt động hiệu quả.
 
Đã đến lúc phải ưu tiên đầu tư cho các công nghệ xử lý rác thải hiện đại. Bởi đó là lựa chọn tối ưu để thu hẹp diện tích các bãi chôn lấp rác thải trên cả nước. Đồng thời, mức độ chịu ảnh hưởng, ô nhiễm của cư dân mới hy vọng từng bước được giảm thiểu và thúc đẩy vấn đề phân loại rác tại nguồn.
 
Mỗi bàn làm việc một cây xanh
 
Hưởng ứng chương trình giảm rác thải nhựa, sáng 22-7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP HCM tổ chức lễ phát động giai đoạn 2 phong trào "Giảm rác thải nhựa - Vì môi trường xanh" đến người lao động tại công ty.
 
Tham gia lễ phát động lần này, toàn thể người lao động cam kết tích cực hưởng ứng cuộc vận động bằng 5 hành động cụ thể: Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, thay bằng sản phẩm thân thiện môi trường; thực hiện phân loại rác tại nguồn; xây dựng thói quen tích cực, vệ sinh nơi làm việc hằng ngày; thực hiện chương trình "Đổi rác thải nhựa, rác tái chế và pin cũ lấy cây xanh"; thực hiện mỗi bàn làm việc một cây xanh, mỗi phòng làm việc một chậu cây xanh, mỗi đơn vị - cụm đơn vị một vườn ươm cây xanh.
 
Ở giai đoạn 1, nhiều hành động thiết thực của người lao động nhằm tuyên truyền việc giảm xả rác, dùng sản phẩm nhựa một lần đến người dân khá hiệu quả như: Vẽ tranh bảo vệ môi trường trên nắp hố ga; phân loại rác tại nguồn tại các đơn vị trực thuộc công ty; không sử dụng ống hút nhựa, chai nước trong cuộc họp; tái chế các vỏ hộp nhựa thành chậu trồng cây, hộp bút...
 
T.Hồng
 
Chung Thanh Huy - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu