Thứ tư, 16/10/2019,11:35 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Mở rộng mô hình chăm, giữ trẻ
Hệ thống giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn TP Đà Nẵng đã và đang hoàn thiện về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Từ năm học 2019-2020, Đà Nẵng sẽ thí điểm nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi tại 21 trường trên toàn thành phố.

Mở rộng mô hình chăm, giữ trẻ

Một giờ học của học sinh Trường mầm non Hồng Minh, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Hiện nay các loại hình GDMN trên địa bàn TP Đà Nẵng phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa với nhiều mô hình khác nhau, trong đó hệ thống trường MN công lập phát triển ổn định và bền vững, làm nòng cốt.

Mô hình trường, lớp MN tư thục, trường có yếu tố nước ngoài đã mở rộng quy mô phát triển GDMN theo cơ chế linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng và tạo thêm nhiều cơ hội chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cho nhiều đối tượng có điều kiện sống, hoàn cảnh khác nhau trên địa bàn quận, huyện của thành phố. Năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt chủ trương xây dựng các trường mầm non thí điểm nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi giai đoạn 2018 - 2019 với tổng kinh phí gần 75 tỷ đồng. Theo đó, có 17 trường MN công lập trên toàn thành phố được đầu tư xây dựng để thí điểm nhận giữ trẻ trong độ tuổi nêu trên.

Nằm trên địa bàn quận Hải Châu, Trường MN Bình Minh là trường công lập đi đầu nhận giữ trẻ từ 13 tháng tuổi trở lên. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Quốc Thư Trâm chia sẻ: Từ nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh trong địa bàn phường cho nên trường mạnh dạn thí điểm nhận 10 trẻ trong độ tuổi 13 tháng. Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Bé Thông Minh (quận Hải Châu) Huỳnh Thị Thọ cho biết: Để thực hiện được việc nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi rất cần một đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm và tận tụy. Các giáo viên không chỉ là người giữ trẻ mà còn cần được trang bị nhiều kỹ năng mềm trong chăm sóc trẻ, như người mẹ thật sự của trẻ. Ngoài việc chăm sóc ăn, ngủ, các cô giáo cần giao lưu cảm xúc với trẻ. Đây cũng là cơ hội để trẻ nhận được sự giáo dục sớm vì giao tiếp là sự phát triển mới nhất về mặt tinh thần và trí tuệ cho trẻ. Nhà trường cần có bác sĩ nhi để kiểm tra, theo dõi sức khỏe bé hằng ngày.

Đến nay, hệ thống các trường MN đã từng bước hoàn thiện các yêu cầu đề ra. Năm học 2019 - 2020, toàn ngành có 207 trường MN, trong đó có 71 trường công lập, một trường dân lập và 138 trường tư thục, bốn trường MN có yếu tố nước ngoài. Hiện, toàn thành phố có 49 trong tổng số 210 trường MN đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 23,3%, trong đó có 33 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 16 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận, để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, ngành giáo dục đã có chủ trương các trường MN công lập, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có đủ điều kiện tăng tỷ lệ nhận trẻ nhà trẻ ra lớp. Ngoài ra, Đà Nẵng chọn giải pháp đầu tư trang thiết bị cho các trường MN công lập trên địa bàn TP để thực hiện thí điểm nhận nuôi dạy trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại 21 trường MN công lập và sau đó sẽ nhân rộng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Chính phủ cần ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ thiết thực cụ thể khuyến khích các chủ đầu tư gắn bó với công tác xã hội hóa giáo dục. Các cấp bộ, ngành Trung ương cần có văn bản quy định tăng thêm định mức giáo viên/lớp đối với những trường MN công lập, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện chuyên môn dành cho loại hình ngoài công lập và quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập tham gia tập huấn do Bộ GD và ĐT tổ chức. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên cần xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ và có hỗ trợ công bằng đối với giáo viên, tùy sĩ số học sinh đứng lớp.

 

BÀI VÀ ẢNH: ANH ĐÀO, VŨ NGUYÊN - (nhandan.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu