Thứ năm, 06/05/2021,06:41 (GMT+7)
Nâng cao thu nhập từ chuyển đổi cây trồng
Nếu như những năm trước đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp khá lên nhờ cây mía thì giờ đây vùng chuyên canh mía đã phủ một màu xanh của cây ăn trái, cây màu ngắn ngày.
Nông dân trồng sương sáo ở xã Hiệp Hưng chuẩn bị đến ngày thu hoạch.
 
Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi đã rảo quanh địa phận ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, nơi được mệnh danh là “vương quốc” mía một thời, giờ chỉ còn lác đác vài rẫy mía nằm xen kẽ với khu vườn tràm, chanh, bưởi, chuối và rau màu. Cắt xong nhánh chanh già cỗi, ông Bùi Văn Tám, ở ấp Tân Hưng, cho hay: “Với nhiều người dân nơi đây, cây mía giờ coi như đã trở thành dĩ vãng. Bởi những năm gần đây giá mía không ổn định, nông dân ai cũng cho rằng cây mía không còn là cây trồng cho giá trị kinh tế cao như trước. Bao nỗi nhọc nhằng của người nông dân một nắng hai sương, giờ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thua lỗ, nếu tiếp tục gắn bó với cây trồng này”.
 
Để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, các cấp chính quyền địa phương đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những hộ có diện tích đất rẫy mía nằm ngoài vùng đê bao khép kín, dễ gặp rủi ro thiệt hại trong mùa mưa lũ. Những năm gần đây đã có hàng trăm héc-ta đất trồng mía của bà con trong ấp được chuyển đổi từ cây mía sang cây tràm, cây chanh, cây chuối, rau màu... Đây là những giống cây mà nông dân tự thấy thích nghi với điều kiện nước tưới, thổ nhưỡng, hơn nữa vấn đề đầu ra có thể ổn định. Tuy không là những giống cây đặc sản giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt…, nhưng được cái dễ trồng, cho dù gặp phải nắng hạn mưa dầm cũng không làm thiệt hại như cây mía.
 
Là người hàng xóm với ông Tám, nhưng hơn 10 công đất rẫy mía trước đây của ông Ba Công (Nguyễn Hồng Công) lại nằm ở khu vực trũng sâu không thể trồng được cây chanh, cây bưởi như nhiều hộ liền kề. Suy đi tính lại, cuối cùng ông Ba Công chọn cây tràm Út để trồng. Ông Công khẳng định: “Giá trị kinh tế cây tràm cũng không thua kém gì so với một số cây trồng khác. Cây tràm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư ít, chi phí cho mỗi công tràm chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Thời gian trồng sau 30 tháng là có thể sử dụng được vào mục đích cừ móng phục vụ công trình xây dựng, giá bán của mỗi công tràm hiện nay từ 15 đến hơn 20 triệu đồng/công, trừ hết các khoản chi phí, người trồng vẫn còn lợi nhuận cả trăm triệu đồng/ha/vụ”.
 
Bà Sáu Sánh (Đặng Thị Sánh), ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, được bà con trong ấp hay gọi ví von là “bà Sáu chuối”. Bởi bà là người đầu tiên chuyển đổi hơn 15 công đất trồng mía sang trồng cây chuối, cây tràm ổn định mức thu nhập hàng năm tương đối khá. Bà Sáu thừa nhận nếu như cây mía không bị “mất giá” như những năm gần đây thì nông dân vùng này chắc chắn không bao giờ bỏ mía để trồng cây khác. Lúc đang thời cây mía giá cao đã giúp không ít nông dân xây nhà, sắm xe, mua thêm đất… Trên thực tế, không phải nông dân muốn chuyển đổi mà vài năm gần đây, diện tích cây mía vùng này ngày càng bị thu hẹp, nguyên nhân là do giá mía liên tục giảm, trong khi chi phí đầu tư lớn, buộc người dân phải tự mình đổi mới hướng canh tác.
 
Nếu như nhiều hộ dân ở thị trấn Búng Tàu chọn cây chanh, cây chuối, cây tràm để trồng thì người dân vùng giáp ranh như xã Hiệp Hưng, Hòa Mỹ… lại chọn rau màu ngắn ngày như sương sáo, dưa hấu, dưa leo, bầu bí, khổ qua, đậu que, đậu đũa… để trồng theo lối chuyên canh. Ông Tám Sách (Nguyễn Văn Sách), ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết sau khi thấy trồng mía không còn lợi nhuận đã chuyển hơn 10.000m2 đất trồng mía hàng năm sang trồng cây sương sáo. Một năm ông thu hoạch 3 vụ, năng suất trung bình đạt từ 500-600kg sương sáo khô/công, thương lái mua tại nhà với giá từ 20.000-25.000 đồng/kg đối với sương sáo dây, 10.000-12.000 đồng/kg sương sáo cây. Lắm lúc cây sương sáo cũng được thương lái mua giá cao hơn, điều này còn theo thời vụ và tùy theo cây sương sáo tốt hay xấu. Nhờ vậy mà những năm vừa qua, nguồn lợi từ cây sương sáo đã mang lại cho ông cũng như một số bà con trồng loại này trong ấp với khoản thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
 
Còn ông Bùi Văn Thịnh và một hộ dân khác ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đã chọn cây rau màu để chuyển đổi trồng trên nền đất mía. Ông Thịnh cho rằng: “Trồng rau màu cực công chăm sóc hơn trồng mía, nhưng được cái là thu hồi đồng vốn nhanh, lợi nhuận khá”. Trên thực tế nhiều năm rồi với diện tích 5.000m2 đất trồng mía, chưa bao giờ ông có được khoản lợi nhuận quá 30 triệu đồng/vụ sau 8 tháng trồng. Từ khi chuyển sang trồng cây rau màu như dưa leo, dưa hấu, bắp trái, khổ qua… cuối năm cũng còn dư được cả trăm triệu đồng. 
 
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Những diện tích mía được chuyển đổi sang trồng các loại giống cây trồng khác, phần lớn đều nằm ngoài vùng đê bao, cho năng suất thấp và hàng năm thường bị thiệt hại nặng khi có lũ về. Tính đến thời điểm này đã có hơn 2.000ha đất trồng mía của bà con trên địa bàn huyện đã chuyển đổi sang cây trồng khác, trong đó cây tràm chiếm khoảng 900ha, kể cả diện tích trồng mới. Số còn lại là các giống cây ăn trái như bưởi da xanh, dưa lưới, cam xoàn, mít, chanh không hạt, khóm, chuối và rau màu. Để chuyển đổi cây trồng thành công, mang lại hiệu quả cao, bên cạnh việc xem xét vùng sản xuất những loại cây trồng phù hợp gắn với liên kết đầu ra, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn kỹ thuật canh tác cây ăn trái và hoa màu, giúp bà con hạn chế rủi ro trong sản xuất. Có thể nói từ việc thực hiện mô hình chuyển đổi, đã tạo ra nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống người dân ổn định.
 
Bài, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu