Thứ ba, 31/05/2022,06:37 (GMT+7)
Nâng cấp chuỗi giá trị cho dừa
Trà Vinh đang thực hiện mục tiêu phát triển chuỗi dừa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và thích ứng biến đổi khí hậu, có vùng nguyên liệu tập trung với doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và ổn định
 
Từ mục tiêu trên, Trà Vinh sẽ tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với các hộ trồng dừa để phát triển sản xuất nhằm gia tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn
 
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt "Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025".
 
Mục tiêu của chiến lược là phát triển khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản, tập trung trên địa bàn các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành; mở rộng diện tích trồng và cải tạo vườn dừa bị lão hóa khoảng 3.000 ha với những giống có năng suất, chất lượng cao như: dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh tại các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của các DN.
 
Nâng cấp chuỗi giá trị cho dừa - Ảnh 1.
Trà Vinh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn
 
"Đến năm 2025, năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha; có ít nhất 8.000 ha dừa theo hướng hữu cơ, trong đó 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Ngoài ra, ít nhất 10 DN liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao ra thị trường. Trong đó, khoảng 2 DN mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm" - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, Trà Vinh sẽ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các vùng nguyên liệu dừa, tiếp tục tuyển chọn những giống chất lượng, sử dụng cây đầu dòng của một số giống đã tuyển chọn, thúc đẩy phát triển các cơ sở nhân giống. Song song đó, Trà Vinh sẽ phối hợp với tỉnh Bến Tre và các trường đại học để nghiên cứu, chọn lọc giống tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường và mục tiêu của DN nhằm nhân rộng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
 
Ông Lê Văn Hẳn cho hay Trà Vinh sẽ hỗ trợ người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng mới hoặc cải tạo vườn dừa hiện có; đăng ký, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP. Trà Vinh cũng sẽ hỗ trợ DN liên kết với các hộ, cơ sở trong việc đăng ký chứng nhận, đánh giá, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ, trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số nhằm minh bạch thông tin trong giao dịch, mua bán.
 
"Chiến lược này sẽ giúp gia tăng thu nhập (từ 10% - 15%) và tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn với khoảng 1.000 người, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh" - ông Lê Văn Hẳn kỳ vọng.
 
Kêu gọi đầu tư
Trà Vinh là một trong những tỉnh có diện tích trồng dừa lớn tại ĐBSCL, chỉ sau Bến Tre. Tổng diện tích dừa ở Trà Vinh đến cuối năm 2021 là gần 25.000 ha với khoảng 7 triệu cây, năng suất bình quân 16,6 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 356.000 tấn/năm - tương đương 296 triệu trái. Tuy nhiên, việc chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm có giá trị gia tăng còn ít, chủ yếu bán nguyên liệu cho các DN ngoài tỉnh.
 
Nâng cấp chuỗi giá trị cho dừa - Ảnh 2.
Massage lấy mật hoa dừa chế biến các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao
 
Theo ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh, từ đầu tháng 4-2022 đến nay, địa phương thực hiện hoạt động xúc tiến mời gọi một số DN tại Bến Tre tham gia liên kết đầu tư mở rộng diện tích và chế biến dừa hữu cơ đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
 
Cụ thể, Công ty CP Xuất nhập khẩu Betrimex Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu Trà Vinh và thực hiện đánh giá 1.383 ha dừa hữu cơ đạt chứng nhận EU, USA. Trong đó, 260 ha đạt 6 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Úc - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP, tập trung tại huyện Càng Long (763 ha), Tiểu Cần (620 ha). Công ty này còn ký biên bản ghi nhớ thực hiện dự án nhà máy sơ chế các sản phẩm từ dừa, tiến tới thành lập nhà máy chế biến, hỗ trợ tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân Trà Vinh.
 
"Ngoài ra, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 150 ha tại xã Long Đức, TP Trà Vinh. Công ty này đang phối hợp với Công ty Chế biến dừa sáp Cầu Kè định hướng xây dựng 1.000 ha dừa hữu cơ gắn với xưởng sơ chế tại huyện Cầu Kè. Bên cạnh đó, dự án Phát triển DN nhỏ và vừa (SME Trà Vinh) và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh còn hỗ trợ Công ty CP Chế biến dừa Á Châu xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gần 221 ha tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần..." - ông Phúc thông tin.
Thêm nhiều sản phẩm mới
 
Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) là DN tiên phong trong việc nâng cao giá trị kinh tế cho cây dừa. Từ năm 2019, công ty này đã nghiên cứu cách massage lấy mật hoa dừa để chế biến thành các sản phẩm như: nước uống, giấm, đường, mật hoa dừa lên men, mật hoa dừa cô đặc...
 
Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Sokfarm, cho hay trong năm 2021, công ty bán được 200.000 đơn vị sản phẩm. Dự kiến trong năm 2022, Sokfarm sẽ xuất bán khoảng 20.000 đơn vị sản phẩm/tháng. Năm nay, Sokfarm còn phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh triển khai thêm 30 ha trên vùng dừa hữu cơ và sẽ chế biến nhiều sản phẩm mới như: nước tương mật hoa dừa, nước rửa rau củ, đường hoa dừa nén viên...
 
Bài và ảnh: CA LINH (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu