Thứ hai, 23/11/2020,07:24 (GMT+7)
Nâng chất lượng, minh bạch chuỗi ngành hàng rau quả
Sản phẩm rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch thu về hàng tỉ USD mỗi năm. Khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ là cơ hội cho rau, trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên, các quốc gia nhập khẩu đang có xu hướng dựng lên hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Điều này đòi hỏi Việt Nam không những tập trung nâng chất lượng mà còn phải minh bạch hóa chuỗi giá trị ngành hàng rau, trái cây từ sản xuất, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ.
Mít Thái được đóng gói xuất khẩu tại Công ty  CP BJ&T.
Mít Thái được đóng gói xuất khẩu tại Công ty CP BJ&T. 
 
Tiêu chuẩn ngày càng khắt khe
 
Theo Cục Bảo vệ thực vật, các loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam hết sức đa dạng, từ các loại quả nhiệt đới như thanh long, xoài, dứa, vải, nhãn, sầu riêng, mít, rau đậu… đến các loại rau củ quả vùng ôn đới như cà rốt, cà chua, dưa chuột, cải, rau gia vị… Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: Những mặt hàng quả tươi chủ lực như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn được hầu hết các thị trường khó tính (Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc…) nhập khẩu. Kết quả này là sự công nhận của quốc tế đối với uy tín, chất lượng của rau, trái cây tươi Việt Nam. Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng tăng, kể cả thị trường Trung Quốc vốn được coi là thị trường dễ tính. Từ đó, làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ đánh mất thị trường nếu không tuân thủ theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
 
Các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi xuất khẩu quả tươi đều phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của Hiệp định An toàn vệ sinh thực phẩm (SPS) và Công ước quốc tế Bảo vệ thực vật (IPPC). Trong đó, yêu cầu cơ bản đối với mặt hàng trái cây tươi là phải có giấy Chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền cấp và lô hàng không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Ðối với các thị trường khó tính còn có thêm các yêu cầu riêng kiểm dịch thực vật: xử lý chiếu xạ, xử lý hơi nước. Thậm chí họ còn cử chuyên gia kiểm dịch thực vật đến làm việc tại Việt Nam để kiểm tra từng lô trái cây tươi tại cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu (chương trình kiểm tra tại gốc). Nội dung chính của chương trình này đều có tiêu chuẩn kỹ thuật và có hệ thống truy xuất nguồn gốc: mã số vùng trồng (PUC) - vùng trồng đạt chuẩn, mã số cơ sở đóng gói (PHC) - nhà đóng gói đạt chuẩn, mã số nhà máy xử lý (TFC) - nhà máy xử lý đạt chuẩn.
 
Theo ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay nhiều doanh nghiệp và người sản xuất hướng đến sản xuất rau, trái cây đạt các tiêu chuẩn: VietGAP, Global GAP, ASC, HACCP… Thế nhưng, làm như vậy cũng chưa đủ nghiêm ngặt theo chuẩn mực chất lượng các đối tác yêu cầu. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm. Nghĩa là họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, trái cây đang dần trở thành xu thế, yêu cầu bắt buộc. Phương pháp này cho phép người tiêu thụ có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, có thể rà soát từng công đoạn chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tới tay người tiêu thụ.
 
Minh bạch để giữ chân khách hàng
 
Theo các chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực là cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành hàng rau, trái cây xuất khẩu. Hiện nay, diện tích trồng rau, trái cây có giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP, Global GAP còn rất thấp, chỉ khoảng 7,5% trên tổng diện tích trồng rau, trái cây của cả nước. Trong khi đó, việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói còn chậm và ít so với diện tích trồng trọt dẫn tới việc thực hiện truy xuất nguồn gốc rau, trái cây chưa nhiều và rộng khắp. Hành trình mở cửa thị trường xuất khẩu rau, trái cây đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên nếu không đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thì nguy cơ đánh mất thị trường sẽ rất cao. Khi nước nhập khẩu kiểm tra hàng hóa tại cảng đến và phát hiện vi phạm sẽ gửi cảnh báo cho nước xuất khẩu để có hành động khắc phục. Tùy mức độ vi phạm hoặc số lần lặp lại vi phạm, nước nhập khẩu có thể áp dụng nhiều biện pháp như xử lý lại, tiêu hủy, trả về nơi xuất, thậm chí là tạm ngừng nhập khẩu để đánh giá lại nguy cơ dịch hại.
Vùng vú sữa được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tại xã Trường Long, huyện Phong Điền.
Vùng vú sữa được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tại xã Trường Long, huyện Phong Điền. 
 
Nhằm nâng cao chất lượng, mở đường xuất khẩu cho rau, trái cây nước ta, ông Lê Văn Thiệt đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát xuất khẩu. Các địa phương trồng cây ăn trái cần xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ sau khi được cấp mã số. Về phía các doanh nghiệp cần coi mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được cấp là tài sản của doanh nghiệp. Từ đó chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số. Doanh nghiệp cũng cần liên kết với các cơ quan quản lý để cung cấp thông tin về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình. Công tác truy xuất nguồn gốc nông sản càng phát triển thì rau, trái cây Việt Nam càng thuận lợi trong cạnh tranh khi vươn ra thị trường thế giới.
 
Ông Đặng Phúc Nguyên: Nhà nước cần đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng internet có dây hay không dây (wireless) ở khắp các vùng nông thôn Việt Nam, tăng mạnh tốc độ đường truyền, giá cả hấp dẫn để các nông dân tham gia kết nối phục vụ sản xuất, truy xuất nguồn gốc… Chính quyền địa phương có thể đầu tư kinh phí đưa các chuyên gia công nghệ thông tin đến để tổ chức các lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao cho các nông dân hay doanh nghiệp địa phương về sử dụng các máy móc, thiết bị điện tử thông minh phục vụ sản xuất, các kiến thức về truy xuất nguồn gốc…
 
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu