Thứ hai, 11/09/2023,13:53 (GMT+7)
Nâng giá trị cua biển Cà Mau
Cua biển là một trong những mặt hàng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn hộ nuôi ở Cà Mau. Tuy vậy, mặt hàng này đang đối mặt không ít khó khăn, thách thức, cần sớm được tháo gỡ để phát triển bền vững
 
Nghề nuôi cua biển thương phẩm được hình thành và phát triển tại nhiều địa phương ở ĐBSCL từ những năm 1990. Hình thức nuôi cua chủ yếu là kết hợp đa loài trong vuông tôm. Lợi thế về vị trí địa lý cộng với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… đã giúp cua nuôi phát triển tốt. Trong đó, Cà Mau được xem là "thủ phủ" cua biển của cả nước.
 
Thị trường chưa ổn định
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết những năm gần đây, nghề nuôi cua biển tại địa phương đã phát triển nhanh về diện tích, sản lượng… Cua biển được đánh giá là mặt hàng chủ lực mang lại giá trị kinh tế lớn, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nuôi.
 
Nâng giá trị cua biển Cà Mau - Ảnh 1.
Cua biển Cà Mau được người tiêu dùng đánh giá cao vì chất lượng khó nơi nào sánh bằng
 
Do sản lượng cung ứng ra thị trường hằng năm lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng nên cua biển Cà Mau đã khẳng định được thương hiệu cũng như chất lượng. Năm 2016, diện tích nuôi cua biển ở Cà Mau khoảng 220.000 ha, sản lượng đạt 174.000 tấn. Đến năm 2022, diện tích nuôi tăng thêm hơn 30.000 ha, sản lượng khoảng 24.500 tấn.
 
Vừa qua, mặt hàng này đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau và chỉ dẫn địa lý cua Cà Mau. Đây được xem là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, xúc tiến quảng bá sản phẩm, khẳng định thương hiệu cua Cà Mau với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
 
Lão nông Nguyễn Văn Minh - ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau - cho hay ông đã gắn bó với nghề nuôi cua biển hơn 20 năm. Với hơn 3 ha nuôi xen canh trong vuông tôm, gia đình ông thu về trung bình trên 100 triệu đồng/năm từ việc bán cua thương phẩm.
 
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng cua biển Cà Mau bị chi phối quá lớn bởi thị trường Trung Quốc. Khi nước này ngừng thông quan thì ngay lập tức, cua sẽ giảm giá. Ngoài ra, những năm gần đây, tình trạng cua chết trên diện rộng do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ cũng khiến người nuôi thiệt hại nặng nề nhưng chưa có cách xử lý dứt điểm.
 
"Hy vọng các ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế này để người dân yên tâm sản xuất" - ông Minh bộc bạch.
 
Trước những trăn trở của người dân, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã chỉ ra những điểm yếu đối với nghề nuôi cua mà địa phương đang gặp phải. Cụ thể, dịch bệnh thường xuyên xuất hiện vào thời điểm giao mùa; tổ chức nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ; liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa mang lại hiệu quả cao; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, biến động giá cả lớn…
 
Xây dựng vùng nuôi tập trung
 
Những ngày qua, nhiều hộ dân ở Cà Mau tỏ ra rất phấn khởi khi hay tin UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án phát triển bền vững nghề nuôi cua biển của địa phương đến năm 2030 với tổng kinh phí hơn 219 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương là 111,2 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn ngoài ngân sách.
 
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đề án này nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc phát triển sản xuất, tiêu thụ cua biển theo hướng bền vững và hiệu quả. Để phát triển nghề nuôi cua thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, Cà Mau sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi và vùng sản xuất con giống trọng điểm.
 
Bên cạnh đó, các cấp, ngành ở Cà Mau sẽ tăng cường phối hợp để xây dựng các vùng nuôi tập trung quy mô lớn gắn với chế biến - tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm từ cua biển để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, tăng khả năng cạnh tranh.
 
Ông Nguyễn Văn Bá - ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - cho rằng con giống luôn được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của vụ nuôi cua biển. Tuy nhiên, ngoài thị trường, người nuôi rất khó nhận biết đâu là con giống đạt chất lượng và được ngành chức năng cấp phép.
 
"Tôi chọn cua giống chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và niềm tin với cơ sở cung cấp. Nếu năm nay lấy giống chỗ này thả không đạt thì năm tới, tôi chuyển sang mua nơi khác" - ông Bá cho biết.
 
Đến hết năm 2022, Cà Mau có trên 520 trại sản xuất cua giống, 7 HTX và hơn 300 cơ sở ương dưỡng nhỏ lẻ.
 
Việc sản xuất con giống cơ bản đáp ứng được nhu cầu thả nuôi của người dân trong tỉnh và cung ứng cho một số địa phương lân cận. Việc quản lý chất lượng cua giống luôn được các ngành chức năng ưu tiên, đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, công tác quản lý cũng gặp không ít khó khăn do chưa có bộ tiêu chuẩn liên quan cua biển.
 
Hướng đến xuất khẩu chính ngạch
 
Cà Mau đang kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học về nghiên cứu, cải thiện, nâng cao chất lượng cua giống; nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân và giải pháp phòng trị bệnh trên cua nuôi.
 
Cà Mau còn kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Bộ Công Thương hỗ trợ đàm phán với phía đối tác Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cua sang thị trường này và một số nước trong khu vực; sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan cua biển (cua giống, cua bố mẹ) để việc quản lý hiệu quả hơn.
 
Bài và ảnh: VÂN DU (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu