Thứ ba, 22/06/2021,08:07 (GMT+7)
Nâng vị thế nông sản Cái Răng
Là 1 trong 3 quận trung tâm của TP Cần Thơ, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, quận Cái Răng đang hướng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Nói như thế không có nghĩa là lĩnh vực nông nghiệp bị lãng quên, trái lại quận tổ chức sản xuất và hình thành nên những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, dần khẳng định chất lượng, thương hiệu cả trong và ngoài nước.
Ông Trần Minh Mẫn giới thiệu sản phẩm mít không hạt Ba Láng tại một sự kiện.
 
Nâng giá trị nông sản
 
Ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, có lẽ không ai không biết đến ông Trần Minh Mẫn - cha đẻ của giống mít không hạt Ba Láng vốn nức tiếng gần xa từ nhiều năm nay. Gặp chúng tôi, ông Mẫn khoe: Giống mít này không chỉ được đặt hàng từ Nam chí Bắc mà còn được bán sang các nước bạn như: Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào... Mặc dù năm nay tình hình khó khăn nhưng vườn ươm cây giống của tôi vẫn xuất bán được 120.000 cây, với giá 60.000 đồng/cây. Năm rồi bên Campuchia mua 20.000 cây giống, năm nay họ lại mua thêm 20.000 cây. Ðiều đó cho thấy tín hiệu rất tốt khi mít không hạt “xuất ngoại” sang các nước bạn.
 
Về hành trình bén duyên với cây mít không hạt, ông Mẫn kể: Năm 2007, vườn sầu riêng của gia đình thoái hóa nên ông quyết định đi tìm giống cây mới để thay thế. Trong lần đi dự hội thảo tại Viện Cây ăn quả miền Nam, ông được người bạn giới thiệu về một giống mít có nguồn gốc từ Myanmar. Qua lời giới thiệu, ông thấy giống mít này có những đặc tính rất “lạ”, rất thu hút nên ông  xin người bạn cho chiết nhánh đem về quê trồng. Sau khoảng hơn 2 năm trồng, mít bắt đầu cho rất nhiều trái, trái to nhất có thể nặng đến 20kg. “Ðiều rất lạ là khi cắt ra, mít không có hạt, không có mủ. Hạt và mủ có thể nói là 2 nhược điểm lớn nhất của các giống mít truyền thống nhưng giống mít này hoàn toàn khắc chế được. Không chỉ vậy, múi và xơ (có thể ăn cả xơ) có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh, tỏa mùi thơm nhẹ” - ông Mẫn chia sẻ.
 
Với thành công ban đầu có được, ông Mẫn bắt đầu hành trình quảng bá giống mít mới này. Năm 2010 đánh dấu sự thăng hoa của giống mít lạ ông Mẫn ấp ủ bao năm khi ông đem sản phẩm của mình tham gia Hội thi Trái cây ngon - an toàn Nam Bộ. Với nét độc đáo từ “hình thức” đến “nội dung” giống mít mới lạ của ông Mẫn được ban tổ chức trao giải nhất. Sau hội thi trên, giống mít lạ của ông Mẫn đã chính thức được đặt tên: mít không hạt Ba Láng. Tiếp đó, mít không hạt Ba Láng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Từ thành công của bản thân, ông Mẫn bắt đầu nhân giống và chia cho bà con trong vùng trồng, nhân rộng để cùng cải thiện thu nhập, cùng làm giàu.
 
Cũng chọn Cái Răng làm nơi “lạc nghiệp”, Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa tọa lạc tại khu vực Phú Khánh, phường Phú Thứ được biết đến là doanh nghiệp trẻ với ý tưởng kinh doanh mới mẻ. Anh Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, chia sẻ: Ở miền Tây ai cũng biết hương vị đặc trưng và sự đa dạng trong chế biến món ăn của con cá thát lát. Và nơi khởi nguồn của con cá thát lát miền Tây phải kể đến trước hết là tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, trước đến nay, cá thát lát được bán dưới dạng chả hoặc cắt khúc khá đơn điệu. Từ thực tế này, Phạm Nghĩa xác định khởi nghiệp từ cá thát lát với sứ mạng đem đến diện mạo, hương vị mới cho món ăn rất đỗi quen thuộc của người miền Tây này.
 
Khởi nghiệp vào năm 2015 từ việc tận dụng diện tích nhà ở không quá 10m2 làm nơi nạo chả cá thát lát. Song nhờ đi vào thị trường “ngách” và tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm, công ty dần có lượng khách hàng ổn định. Năm 2020 công ty quyết định dời công ty về phường Phú Thứ mở rộng quy mô sản xuất lên hơn 5.000m2 cùng 200 công nhân viên nhiệt huyết, có trình độ. Sau quá trình nghiên cứu để cho ra nhiều sản phẩm mới, hiện Phạm Nghĩa đã có 28 sản phẩm chế biến từ cá thát lát. Ðặc biệt, chả cá thát lát rút xương Kim Sa được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Mặt hàng chả cá Phạm Nghĩa nay đã xuất bán qua nhiều nước, được những thị trường khó tính tiếp nhận bởi chất lượng, an toàn, hợp tiêu chuẩn quốc tế.
 
Vươn xa
 
Trao đổi với nhiều nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản trên địa bàn quận Cái Răng, có một điểm chung là họ muốn đem kinh nghiệm của mình chia sẻ cho những nông dân khác cũng như đem sản phẩm của mình đến với nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Ông Mẫn bộc bạch: “Sự nỗ lực của tôi những năm qua đã dược Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương ghi nhận và tôn vinh là nông dân sản xuất giỏi. Giờ tôi đã 72 tuổi, niềm mong ước lớn nhất là đưa cây mít không hạt Ba Láng đi xa hơn, được người dân nhiều nơi tiếp nhận và nhân rộng”. Ðể hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân, ông Mẫn cũng đã phối hợp với một giảng viên ở Khoa Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, xây dựng quy trình cụ thể trồng mít không hạt. Vì vậy, những ai mua cây giống, sẽ được ông Mẫn hướng dẫn kỹ thuật từ lúc trồng đến khi thu hoạch.
 
Còn anh Phạm Trọng Nghĩa chia sẻ: Năm 2020 đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Phạm Nghĩa khi chúng tôi bắt đầu tham gia xuất khẩu và bước đầu đạt được nhiều thành công ngoài mong đợi ở những thị trường khó tính như: Canada, Úc, Hàn Quốc… Ðể đáp ứng nhu cầu từ thị trường, chúng tôi đã và đang không ngừng đa dạng sản phẩm với nhiều loại thủy, hải sản khác: tôm, bạch tuộc, ốc… Song, con cá thát lát vẫn là sản phẩm chủ lực của công ty. Việc mang sản phẩm cá thát lát chất lượng, không ngừng nâng cao giá trị là khát vọng Phạm Nghĩa đang vươn đến. Ðể đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn ngay từ gốc cho hành trình xuất ngoại, ngoài vùng nuôi đạt chuẩn VietGAP tại quận Cái Răng, công ty còn mở rộng vùng nuôi đạt chuẩn Global GAP tại huyện Thới Lai. Cùng với đó là việc cho ra đời sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiện, lợi và thân thiện với môi trường của người tiêu dùng hiện đại.
 
Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, quận Cái Răng đã chủ động tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững, tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển ngành chế biến nông sản phù hợp với tình hình thực tế. Ông Trần Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế quận Cái Răng, cho biết: Cái Răng tiếp tục định hướng phát triển sản xuất  nông nghiệp theo chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và tổ hợp tác để làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành chức năng quận thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; phối hợp với các sở ngành hữu quan thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Vừa qua, quận đã công nhận 8 sản phẩm của Phạm Nghĩa đạt OCOP hạng 4 sao và chuẩn bị hồ sơ trình hội đồng thành phố thẩm định. Sắp tới, quận tiếp tục giới thiệu nhiều sản phẩm nông sản khác để thẩm định, xét hạng. Bởi khi đạt chứng nhận OCOP sẽ mở ra cơ hội để nông sản Cái Răng được quảng bá, phát triển thương hiệu hiệu quả và mạnh mẽ hơn.
 
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu