Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình, cho biết để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ đề xuất cần tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%, đồng thời xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp chiều 20-11
Theo tờ trình, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 (từ 1-1 đến 30-6) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Một số nhóm hàng, dịch vụ như: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản… không được áp dụng mức giảm này.
Về tác động của chính sách này, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước hơn 4 ngàn tỉ đồng/tháng (tương đương 25 ngàn tỉ đồng trong 6 tháng).
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến trong ủy ban này nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế VAT. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT.
Về hiệu lực thi hành, cơ quan thẩm tra cho rằng đến giữa năm 2024, nếu Chính phủ xác định cần tiếp tục giảm VAT cho những tháng cuối năm thì trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7.
Nêu ý kiến tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, bởi dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (đoàn tỉnh Cà Mau) đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024. Bởi đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương) đề nghị làm rõ ý nghĩa việc giảm thuế VAT ảnh hưởng đến người dân như thế nào. Giảm thuế VAT người dân cũng có thể bị ảnh hưởng một cách gián tiếp vì nguồn thu ngân sách không bảo đảm thì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng bị tác động. Vị đại biểu đề nghị áp dụng chính sách này dài hạn hơn thay vì chỉ 6 tháng năm 2024.
Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thường gọi là thuế tối thiểu toàn cầu). Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định khi ban hành nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định về quyền đánh thuế của Nhà nước và mang lại lợi ích cho đất nước.
Về băn khoăn khả năng các doanh nghiệp khởi kiện khi sắc thuế được áp dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ làm việc với 122 doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế để chuẩn bị tinh thần. "Tôi nghĩ rằng việc dẫn đến khiếu kiện là rất ít khả năng, vì ở đây nếu doanh nghiệp không đóng thuế tại Việt Nam thì cũng phải đóng thuế tại nước ngoài. Mà đóng thuế nước ngoài thì phức tạp hơn rất nhiều vì cơ quan thuế nước ngoài cũng phải sang Việt Nam thu thuế…" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về việc ưu đãi ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay giấy chứng nhận đầu tư không được ghi ưu đãi về thuế vì ưu đãi thuế phải thực hiện theo quy định tại pháp luật thuế.
Về ưu đãi đầu tư mới song hành cùng việc bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã phân công cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ này đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang yêu cầu chỉnh sửa lại trong thời gian rất ngắn ban hành đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.