Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thông qua việc kích hoạt ứng dụng “Y tế trực tuyến” của Sở Y tế thành phố, người dân đã kịp thời cung cấp thông tin chính xác về các cơ sở làm đẹp hoạt động trái phép để ngành chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý. Ðiển hình lúc 10 giờ 45 phút ngày 12-3, nhận được tin báo của một người dân gửi đến Sở Y tế thông qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”, Thanh tra Sở Y tế đã kịp thời kích hoạt quy trình phản ứng nhanh và phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh cùng chính quyền địa phương, đội quản lý tòa nhà tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở thẩm mỹ có biển hiệu “Vin House Spa & Clinic” thuộc địa bàn TP Thủ Ðức.
Khi đến địa điểm, đoàn kiểm tra không thấy biển hiệu bên ngoài căn hộ, nhưng khi bước vào bên trong, tại khu vực quầy lễ tân thì phát hiện biển hiệu “Vin House Spa & Clinic”. Tại đây, cơ sở treo hai bảng giá dịch vụ chăm sóc da và phẫu thuật thẩm mỹ và bố trí hai giường gội đầu. Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện cơ sở chưa xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở này có ba phòng chăm sóc da, có trang bị một máy phun hơi nước, một máy la-de triệt lông (không xuất trình được hồ sơ nguồn gốc máy), các loại thuốc tê, chất làm đầy, chỉ khâu phẫu thuật, dao phẫu thuật,... Ðoàn đã niêm phong, tạm giữ các vật chứng nêu trên, yêu cầu cơ sở ngừng ngay việc thực hiện các kỹ thuật xâm lấn khi chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý theo quy định.
Mới đây, vào ngày 17-3, cũng thông qua thông tin phản ánh của người dân trên ứng dụng “Y tế trực tuyến”, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp Công an thành phố và các lực lượng chức năng quận 10 kiểm tra đột xuất cơ sở “Kang Beauty Center” tại địa chỉ 96 Hồ Bá Kiện, phường 15, quận 10.
Chủ cơ sở đã xuất trình giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do UBND quận 10 cấp, với ngành nghề kinh doanh là “Bán lẻ mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc da (không bao gồm dịch vụ chăm sóc da gây chảy máu, tổn thương da, giải phẫu thẩm mỹ, không dùng kỹ thuật cao)”.
Tuy nhiên, không xuất trình được chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận có hai khách hàng đến cơ sở để phẫu thuật hút mỡ đùi, mỡ bụng, trong đó một khách hàng đang được hút mỡ đùi. Ðoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở ngừng thực hiện và đã liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 cho xe cứu thương đến hỗ trợ đưa khách hàng đến bệnh viện để xử lý vết thương.
Ứng dụng “Y tế trực tuyến” đã được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai vào năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho người dân có công cụ để phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề trong lĩnh vực y tế của các cá nhân và tổ chức. Thời gian tối đa xử lý thông tin và công khai kết quả giải quyết không quá 24 giờ kể từ khi nhận phản ánh đối với phản ánh cấp độ 1, không quá 48 giờ đối với cấp độ 2, không quá 72 giờ đối với cấp độ 3.
Ðến nay, ứng dụng “Y tế trực tuyến” đang phát huy hiệu quả khi Sở Y tế thành phố đã tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp do người dân, cơ quan báo đài phản ánh về các cơ sở hành nghề y tế trái phép. Theo PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, do nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng nhiều, cho nên các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp cũng đang gia tăng về số lượng trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, thách thức cho ngành y tế thành phố là làm sao bảo đảm an toàn tại các cơ sở dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, ngăn chặn các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “chui” hoạt động trên địa bàn. Thời gian tới, ngành y tế sẽ hành động quyết liệt hơn nữa trong việc cấp phép và quản lý các cơ sở cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp. Cùng với đó, thông qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”, ngành y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quảng cáo trên mạng, xử lý kịp thời những đơn vị hoạt động không phép từ thông tin phản ánh của người dân thông qua ứng dụng này.