Thứ hai, 10/05/2021,07:44 (GMT+7)
Ngân hàng kỳ vọng kinh doanh khởi sắc
Ðến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều đã công bố báo cáo tài chính quý I - 2021, theo đó ghi nhận lợi nhuận tăng vọt. Nhiều lãnh đạo ngân hàng bày tỏ tin tưởng vào kế hoạch lợi nhuận cả năm khi hoạt động kinh doanh có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, với diễn biến dịch bệnh phức tạp, lợi nhuận các quý còn lại sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng đáng kể.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh ngân hàng MSB.
 
Ðồng loạt báo lãi
 
Hết quý I - 2021, nhiều ngân hàng đồng loạt báo cáo lợi nhuận trước thuế tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Ðứng đầu bảng là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận trước thuế hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 65% so cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 47% so với quý I - 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa xảy ra. Giữ vị trí thứ hai là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với lợi nhuận trước thuế 8.060 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 160% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Khối ngân hàng TMCP tư nhân cũng ghi nhận nhiều ngân hàng có mức lãi kỷ lục. Theo đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) quý I - 2021 đã đạt lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng và doanh thu 8.900 tỷ đồng; tăng lần lượt 76,8% và 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) quý I cũng tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt mức tăng trưởng 55,2%. Một số ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng cao như Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.147 tỷ đồng, cao gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 đã được Ðại hội đồng cổ đông thông qua (3.280 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) tăng 67% với lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng.
 
Mới đây, trong báo cáo về chính sách tiền tệ, SSI Research cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý I - 2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu tăng từ 55 đến 65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngân hàng thương mại quốc doanh khả năng đạt được mức tăng trưởng khoảng 75 - 85% so với cùng kỳ, khi đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Các ngân hàng TMCP, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45 - 55% so với cùng kỳ.
 
Tiếp đà tăng trưởng
 
Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, hoạt động cho vay tăng trở lại trong khi lãi suất thấp, tiền gửi không kỳ hạn tăng do người dân giảm sử dụng tiền mặt làm biên lợi nhuận của các ngân hàng tăng. Mặt khác, các dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ khác phát triển mạnh cũng giúp tăng trưởng lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng.
 
Một khảo sát mới đây của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cũng cho thấy, trong quý II-2021, ngoại trừ một số ngân hàng quy mô nhỏ đang trong giai đoạn tái cấu trúc và nhóm công ty tài chính, thì hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên mạnh mẽ. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo sẽ tăng khoảng 5,09% trong quý II-2021 và tăng 14,7% trong cả năm 2021. Mức này cao hơn mức kỳ vọng ghi nhận ở lần điều tra trước vào tháng 12-2020 là 13%. Cùng với đó, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhận định, đà tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong các tháng còn lại của quý II, nhất là đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, du lịch…
 
Mặt khác, nhiều chuyên gia và các công ty phân tích thị trường cũng cho rằng, việc bật tăng của tín dụng ngân hàng các tháng đầu năm 2021 là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại các khu vực kinh tế chính thức, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu được hồi phục đáng kể ở phần lớn các ngành nghề.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần thận trọng với kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I - 2021. Bởi lẽ, NHNN vừa ban hành Thông tư 03 (sửa đổi Thông tư 01) và có hiệu lực từ ngày 17-5 cho nên nhiều ngân hàng chưa kịp trích lập dự phòng rủi ro theo quy định quý I là 30%. Vì vậy, sang quý II, có thể ngân hàng sẽ phải trích bù.
 
Ngoài ra, nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp và nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn thì nợ xấu (gồm cả nợ nhóm 2) có thể tăng lên. Như vậy, lợi nhuận các quý còn lại của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
 
HỒNG ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu