Thứ hai, 28/06/2021,16:47 (GMT+7)
Ngân hàng số - Cơ hội và thách thức
Sự ra đời của công nghệ tài chính đang dẫn dắt xu hướng ngân hàng số rộng khắp trên thế giới và Việt Nam. Cùng với xu hướng này, dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát tới nay tác động không nhỏ đến hoạt động ngân hàng, càng trở thành động lực để các ngân hàng phát triển ngân hàng số. Nhưng thực tế tại Việt Nam, mô hình này còn sơ khai, nên đối diện không ít thách thức. Hóa giải gian nan để biến thách thức thành cơ hội, đang là một bài toán dành cho cả hệ thống ngân hàng.
Khách hàng giao dịch bằng thẻ ngân hàng khi mua sắm. Ảnh: MINH HÀ
 
Bài 1: Nhanh nhạy chuyển đổi
 
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Thay vì giao dịch trực tiếp, nhiều người nghiêng hẳn sang phương thức giao dịch online (trực tuyến). Điều này cũng buộc các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng.
 
Bùng nổ giao dịch trực tuyến
 
Chị Mai Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, chị đã thanh toán tiền điện, điện thoại, đặt hoa, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn,… qua ứng dụng mobile banking của ngân hàng: "Khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi mua hàng luôn trên các "chợ online" như Grab, Now, thanh toán online qua app của ngân hàng. Hàng hóa được các shipper giao tới tận nhà, tránh tiếp xúc nhiều người".
 
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, thói quen mua sắm và thanh toán của nhiều người tiêu dùng Việt Nam thay đổi đáng kể. Khảo sát của Visa cho thấy, người Việt Nam dành 3,1 giờ trực tuyến mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, con số đó tăng lên 4,2 giờ/ngày vào lúc cao điểm. Đó cũng là lý do, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng.
 
Ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có khoảng 94% ngân hàng thương mại triển khai chiến lược chuyển đổi số để hình thành hệ sinh thái thanh toán số. Điển hình, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số LienViet24h trên cơ sở hợp nhất các nền tảng online, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cũng ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile, với sự đồng nhất các trải nghiệm, giao diện và tính năng ở mọi nền tảng máy tính, thiết bị di động với tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng.
 
Chia sẻ thêm về câu chuyện chuyển đổi số hướng tới cung ứng dịch vụ ngân hàng số, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Nguyễn Đức Vinh cho biết, chiến lược số hóa được VPBank thực hiện từ năm 2016 và bắt đầu có hiệu quả. Tới đây, VPBank sẽ số hóa thông qua việc tự động hóa, rô-bốt hóa,… giúp giảm chi phí vận hành, từ đó giảm nhân sự có chọn lọc.
 
Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho biết, sẽ nỗ lực duy trì vị thế ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam. "Khác với nhiều ngân hàng chỉ chuyển đổi số ở những dịch vụ và kênh giao tiếp cho khách hàng, quá trình chuyển đổi số ở TPBank bắt đầu thay đổi từ nền tảng công nghệ, các quy trình vận hành nằm sâu bên trong lõi, nhằm hướng tới một chuẩn mực ngân hàng số đúng nghĩa, chứ không chỉ ở những sản phẩm số hóa khách hàng sử dụng trực tiếp" - Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ. Theo đó, TPBank đã chuyển đổi số toàn diện từ dịch vụ khách hàng, số hóa, tự động hóa quy trình đến quản trị doanh nghiệp. Nhờ triển khai tự động hóa và số hóa, ngân hàng đã giảm được 30-40% nhân sự, tiết kiệm 60% thời gian giải ngân khoản vay, 30-60% thời gian giao dịch tại quầy. Lượng người dùng dịch vụ ngân hàng số của TPBank tăng gấp đôi trong vòng ba năm, trung bình hơn 30% mỗi năm đến nay.
Ngân hàng số - Cơ hội và thách thức -0
Khách hàng mở tài khoản thanh toán và lấy thẻ ATM với hệ thống máy giao dịch tự động LiveBank của TPBank. Ảnh: VIẾT CHUNG
 
Gia tăng tiện ích, trải nghiệm
 
Chất lượng dịch vụ và tiện ích cho khách hàng cũng được nhiều ngân hàng quan tâm, nhất là các nhu cầu tài chính cấp thiết của người dân trong mùa dịch như dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, vay vốn…
 
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong những tháng đầu năm 2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 4/2021 cả nước có hơn 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong bốn tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, mã QR đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với bốn tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng; 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng; 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh mã QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị.
 
Giao dịch qua Internet tăng lên, cũng đồng nghĩa chi phí sử dụng cho các dịch vụ thanh toán người dân phải trả cũng tăng. Vì vậy, trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhiều ngân hàng thương mại đã miễn các loại phí giao dịch khi thanh toán trực tuyến. Cụ thể, từ ngày 1/6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - ngân hàng có mạng lưới rộng lớn nhất hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch lưu động bằng xe ô-tô chuyên dùng, hơn 3.000 ATM/CDM; cung ứng hơn 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng,... đã quyết định tiếp tục thực hiện chính sách miễn phí dịch vụ chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Agribank, áp dụng trên các kênh thanh toán trực tuyến. Các ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, MB, Techcombank,… đều miễn phí giao dịch hoặc phí 0 đồng khi khách hàng đăng ký gói dịch vụ.
 
Các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng cũng sẽ được các ngân hàng thương mại tăng cường giải ngân qua kênh số hóa. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, trong tương lai, các quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân sẽ được thực hiện theo hướng số hóa, tự động. Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ giải ngân này đạt ít nhất 50%, đến năm 2030, đạt ít nhất 70%. Cùng với cho vay, các ngân hàng thương mại gia tăng thêm nhiều tiện ích cho dịch vụ tiết kiệm trực tuyến. Đơn cử như với ứng dụng PV Mobile Banking của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PvcomBank), khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến sẽ được nhận ưu đãi thêm 0,3%/năm so với việc gửi trực tiếp tại quầy, được miễn phí tư vấn trực tuyến những kế hoạch tiết kiệm tối ưu với mức lãi suất tốt nhất…
 
HỒNG ANH - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu