Dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất cả nước cho nên chỉ cần một ca mắc bệnh có thể khiến doanh nghiệp (DN) bị đóng cửa, dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tiến độ giao hàng, giảm uy tín trên thị trường mà còn gây thiệt hại về kinh tế đối với DN. Trước thực trạng nêu trên, các DN đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh và đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm mục tiêu đề ra.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May Hưng Yên. Ảnh: ĐỨC MINH
Đối diện khó khăn
Tại vùng tâm dịch Bắc Ninh - Bắc Giang, các DN dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn lực sản xuất không đủ, sản xuất bị đình trệ, nguy cơ thua lỗ. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu (Dagarco) Lương Văn Thư cho biết, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, đơn vị đã lập tức tăng cường một loạt các biện pháp kiểm soát, kiểm tra thông tin hằng giờ, hằng ngày; công tác ghi chép và lưu thông tin về dịch bệnh được thực hiện đầy đủ, cập nhật kịp thời các sự cố nếu có để xử lý. Ngày 15/5, sau khi nhận tin vợ của một công nhân là F0, DN đã lập tức cho cả tổ sản xuất làm cùng công nhân là F1 nghỉ làm việc, đi xét nghiệm và cách ly. Ba ngày sau, trường hợp F1 chuyển thành dương tính, DN cho phun khử khuẩn toàn bộ khu vực sản xuất, xét nghiệm toàn bộ 1.500 công nhân tại nhà máy ở Đáp Cầu. Mặc dù tất cả đều âm tính nhưng công tác chống dịch vẫn được siết chặt tại nơi sản xuất. Từng chi tiết nhỏ cũng phải làm kỹ, đơn cử như tay nắm cửa ra vào phải được lau nhiều lần trong ngày. Các khu công cộng như nhà ăn, nhà vệ sinh cũng được khử khuẩn, lau dọn các vật dụng liên tục, rèn thành nếp vệ sinh quen thuộc. Đồng thời nhắc nhở công nhân phải đeo khẩu trang liên tục, thực hiện giãn cách để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhờ công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch tốt nên sau ba tuần ở các nhà máy May Đáp Cầu không phát sinh thêm F0.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dagarco cũng cho biết thêm, chưa bao giờ DN lại rơi vào cảnh “sống dở chết dở” như hiện nay. Hơn 800 chốt chặn trên địa bàn các phường khiến DN muốn đến các nơi để giao dịch cũng không thể được. Kể cả có đàm phán được với khách hàng để giãn thời gian giao hàng nhưng cũng không được lâu, bởi hàng quần áo có thời vụ, không thể hàng cho mùa này chuyển sang mùa khác được. Muốn chuyển đơn hàng đi nơi sản xuất khác, nhưng tình hình cũng ngoài tầm kiểm soát. Mọi thứ hết sức khó khăn, chưa có giải pháp nào khả dĩ để có thể giải quyết các đơn hàng, trong khi tình hình cách ly quá nghiêm ngặt khiến DN đã khó lại chất chồng khó khăn. Tương tự, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngày 8/5, tại một đơn vị thành viên của Hugaco có hai người lao động dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, DN đã rà soát và cho cách ly hơn 10 người lao động thuộc diện F1, những lao động còn lại vẫn tiếp tục sản xuất với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn theo quy định của Bộ Y tế và quy định riêng của DN. Thế nhưng, nếu dịch bệnh không sớm được khống chế, kiểm soát sẽ tác động rất lớn tới DN.
Sớm khống chế dịch bệnh
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các DN dệt may đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh như: nâng báo động lên mức cao nhất bằng việc NLĐ và khách đến làm việc đi qua buồng khử khuẩn, đeo khẩu trang và đo thân nhiệt hằng ngày; rửa tay thường xuyên, bố trí ăn ca có vách ngăn, khử trùng nhà xưởng, tăng khẩu phần ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện đầy đủ 5K theo quy định,... Đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, đây là thời điểm quan trọng của các DN khi bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Chính vì vậy, nếu dịch bệnh không được khống chế, kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng bất lợi tới công ăn việc làm của gần ba triệu người lao động cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tương ứng với đó sẽ khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD ngành đề ra. Hiện dịch đã xâm nhập vào các khu công nghiệp, diễn ra trên nhiều tỉnh, thành phố sẽ là mối nguy lớn đối với các DN dệt may. Chỉ cần một trường hợp bị bệnh dẫn tới nguy cơ “đứt, gãy” chuỗi sản xuất, DN không giao được hàng kịp tiến độ; bị phạt, hủy hợp đồng, gây thiệt hại cho khách hàng và DN, bị mất tiền gia công, NLĐ gặp khó khăn khi phải nghỉ việc. Chung quan điểm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dagarco Lương Văn Thư mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát, hết thời gian cách ly và giãn cách xã hội, lúc đó DN mới tổ chức sản xuất lại được. Theo dự kiến, đến cuối tháng 6, nếu mọi thứ yên ổn, tổ chức sản xuất lại được thì May Đáp Cầu mới có thể trụ lại, bằng không, nguy cơ phá sản tiềm ẩn là điều khó tránh.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, đại dịch Covid-19 đang khiến DN gặp khó và kinh doanh kém hiệu quả. Do đó, để hỗ trợ DN vượt khó, rất mong Chính phủ có các chính sách hỗ trợ như giãn thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN,... Đặc biệt, cần có các gói hỗ trợ phù hợp cho đặc thù ngành nghề, DN có số lượng lao động lớn trực tiếp thiệt hại vì ảnh hưởng của dịch bệnh do hợp đồng đã ký bị lùi, giãn và hủy đơn hàng. Bên cạnh đó, các DN dệt may với đặc thù là sử dụng nhiều lao động, đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh cao nên rất mong muốn Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN dệt may sớm tiếp cận và được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe NLĐ và đẩy mạnh sản xuất.