Thứ hai, 13/04/2020,10:24 (GMT+7)
Ngành du lịch - Những giải pháp phục hồi sau dịch bệnh Covid-19
Năm 2020 là năm đầy khó khăn của ngành du lịch (DL) tỉnh, do phải gánh chịu những tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19. Tổng số lượt khách đến An Giang trong quý I ước đạt 3 triệu lượt người (giảm 6,3% so cùng kỳ năm 2019). Hiện nay, bên cạnh việc phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngành DL đã xây dựng kế hoạch, từng bước triển khai các giải pháp để phục hồi, vực dậy sau khi dịch bệnh kết thúc.
Khó khăn trước mắt
 
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đào Sĩ Tuấn, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những tháng đầu năm, 4 khu, điểm DL trọng điểm của tỉnh (Khu DL quốc gia núi Sam, Khu DL núi Cấm, Điểm DL rừng Tràm Trà Sư, Điểm DL Tức Dụp) lượt khách tham quan đều giảm trên 50% (tháng 3 so với tháng 2-2020).
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh, các khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng đón khách. Điển hình, Khu DL quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc) tạm dừng đón khách tham quan và phục vụ khách DL từ 0 giờ, ngày 25-3-2020, Khu DL núi Cấm (Tịnh Biên) tạm dừng đón du khách từ 0 giờ, ngày 28-3-2020.
 
Doanh thu xã hội trong quý I-2020 ước đạt 1.700 tỷ đồng (giảm 8,1% so cùng kỳ năm 2019). Doanh thu từ nguồn thu phí tại 4 khu, điểm DL trong tháng 3-2020 giảm trên 50% so tháng 2-2020. Theo báo cáo của các khu, điểm DL, công ty lữ hành và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lưu trú DL, đến cuối tháng 3-2020, tổng số thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 27,2 tỷ đồng.
 
Theo báo cáo của các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú DL trên địa bàn tỉnh, tính đến cuối tháng 3-2020, có hơn 2.660 lượt khách hủy tour, hơn 6.900 lượt khách hủy phòng. Trong đó, một số cơ sở có số lượt khách hủy phòng cao, như: khách sạn Victoria Hàng Châu, Victoria Núi Sam, Châu Phố, Hòa Bình có mức thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Ngành du lịch xây dựng kế hoạch, với nhiều giải pháp nhằm vực dậy, phục hồi tăng trưởng sau khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc
 
Với tinh thần chủ động trong triển khai phòng, chống dịch bệnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp trên diện rộng, cùng với các giải pháp tạm ngừng đón khách DL quốc tế vào Việt Nam từ ngày 22-3-2020; mới đây nhất là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 726 của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nên các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú DL tiếp tục “đóng băng”.
 
Trong thời gian tạm dừng này, các khu DL, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các cơ sở kinh doanh lưu trú DL đã tiến hành khử trùng toàn bộ khu vực đón tiếp, điểm tham quan, chỉnh trang cơ sở vật chất và trang thiết bị, đảm bảo các điều kiện an toàn để chờ đến ngày được mở cửa trở lại.
Nhiều giải pháp hỗ trợ, vực dậy du lịch
 
Để chia sẻ với những khó khăn của các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú DL, Sở VH-TT&DL đã đề xuất UBND tỉnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, giảm một phần các loại thuế phải nộp, giãn thời gian nộp thuế và các khoản phí DN phải nộp cho nhà nước đến cuối năm; có chính sách miễn giảm tiền thuê sử dụng đất, tiền thuế đất hàng tháng. Đồng thời, đề nghị giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, nộp kinh phí công đoàn để chia sẻ với DN và người lao động. Có chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cho DN vay vốn lãi suất thấp hoặc hoãn thời gian đóng lãi tại các ngân hàng thương mại…
 
Sau khi dịch bệnh qua đi, Sở VH-TT&DL kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình kích cầu DL nội địa và quốc tế. Có chính sách miễn, giảm phí tham quan tại các khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh. Vận động các DN kinh doanh dịch vụ DL (lưu trú, lữ hành) và các khu, điểm DL tích cực tham gia chương trình; ưu tiên xây dựng chương trình kích cầu DL nội địa “Người Việt Nam đi DL Việt Nam”.
 
Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển, giới thiệu, quảng bá DL giữa 3 tỉnh “An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang” trong các sự kiện giới thiệu, quảng bá DL chung của tỉnh dựa vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Liên kết kích cầu phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Phun xịt khử trùng tại khu, điểm du lịch
 
Triển khai hỗ trợ, khuyến khích, vận động DN kinh doanh DL trong tỉnh và cộng đồng địa phương chủ động xây dựng các chương trình DL về An Giang từ nguồn xúc tiến quảng bá DL. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình quảng bá giới thiệu hình ảnh DL An Giang trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt tổ chức chương trình “Ngày hội An Giang” tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; mời các DN lữ hành nội địa và quốc tế trong và ngoài nước tham gia sự kiện. Tiếp tục nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm DL trong tỉnh. Tổ chức lại các sự kiện, lễ hội truyền thống ngay sau khi kết thúc dịch bệnh.
 
Tăng cường truyền thông, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện đại chúng về DL An Giang an toàn để người dân hiểu, “tránh chủ quan nhưng không hoang mang” nhằm xóa bỏ tâm lý e ngại của khách DL, tránh kỳ thị khách DL. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách, người bán hàng cần trang bị đồ dùng phòng dịch… Lên kế hoạch đào tạo nhân lực, liên kết xây dựng sản phẩm DL mới đặc trưng, tiến hành quảng bá nhằm mở rộng thị trường DL, sẵn sàng thu hút, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
 
THU THẢO - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu