Thứ năm, 23/12/2021,11:00 (GMT+7)
Ngành du lịch Cần Thơ chuyển đổi số
Với tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đã chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là không tương tác trực tiếp được với khách hàng.
 
Trước tình hình đó, Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nhằm khôi phục ngành công nghiệp không khói này.
 
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Cần Thơ, cho biết trong kế hoạch chuyển đổi số để phục hồi và phát triển ngành du lịch, địa phương này đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, Cần Thơ sẽ nghiên cứu xây dựng và phát triển các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành; xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2021.
 
Ngành du lịch Cần Thơ chuyển đổi số - Ảnh 1.
Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm đến lý tưởng ở Cần Thơ
 
Ngoài ra, Cần Thơ còn đẩy mạnh các hoạt động marketing điện tử phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm, truy cập thông tin và nâng cao trải nghiệm cho du khách; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) du lịch nắm bắt xu thế và nâng cao tính cạnh tranh.
 
"Địa phương chủ động thay đổi hình thức tổ chức, tham gia hội chợ từ trực tiếp sang trực tuyến; tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng cổng thông tin du lịch tại địa chỉ canthotourism.vn và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, nhằm tạo sự tương tác giữa điểm đến với du khách" - ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.
Góp ý về vấn đề này, bà Phạm Thị Huệ, Trường ĐH FPT Cần Thơ, cho rằng trong nỗ lực tái khởi động, phục hồi hoạt động du lịch, ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho du khách, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo và hỗ trợ tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử hiệu quả cho các DN. Bà Huệ đưa ra 5 đề xuất đối với việc chuyển đối số trong ngành du lịch ở Cần Thơ.
 
Thứ nhất, xây dựng hệ thống khuyến nghị cho du khách, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra các dự đoán, gợi ý, đề xuất phù hợp với sở thích của người dùng trên ứng dụng và nền tảng trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm, truy cập nội dung dễ dàng.
 
Thứ hai, triển khai hình thức thanh toán kỹ thuật số cho du khách mà không sử dụng tiền mặt, tránh tiếp xúc trực tiếp khi thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
 
Thứ ba, kết hợp ứng dụng Big Data (dữ liệu lớn) với chiến lược quản trị marketing. Big Data giúp cung cấp số liệu chuẩn xác về các thông tin mà du khách cần kiểm tra trước khi tham quan; giúp DN du lịch tìm hiểu sâu hơn về khách hàng, xác định họ là ai, đang ở đâu, muốn gì và thích được liên lạc như thế nào. Big Data còn giúp DN du lịch ứng dụng cách tiếp cận chiến lược nhiều hơn trong nỗ lực marketing, nhắm đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
 
Thứ tư, ứng dụng AI như Chatbots (nói chuyện tự động) nhằm phục vụ du khách nhanh chóng và thường xuyên. Chatbots có thể phản hồi những thắc mắc của du khách gần như ngay lập tức và bất kể ngày đêm, không khác gì các nhân viên chăm sóc khách hàng bình thường.
 
Thứ năm, xây dựng "văn hóa số" trong các DN và đội ngũ nhân viên ngành du lịch Cần Thơ, để họ thấy được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong du lịch. Đây là cơ hội để họ nâng cao khả năng chuyên môn số để phù hợp, thích nghi với môi trường và thị trường tương lai.
 
Ca Linh (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu