Thứ năm, 30/01/2020,11:09 (GMT+7)
Ngành Tài Chính: Vượt gian lao để cải cách thành công
Tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy đã được ngành Tài chính xác định là “mũi nhọn” cải cách, song song với hoạt động cải cách hành chính và hiện đại hóa đã dần đi vào quỹ đạo.
nganh tai chinh vuot gian lao de cai cach thanh cong
Phóng viên Báo Hải quan chụp ảnh với CBCC Đội nghiệp vụ Hải quan cửa khẩu Phó Bảng (Hà Giang) tại trụ sở đơn vị . Ảnh: N.LINH.
 
Thận trọng nhưng quyết đoán
 
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành đã như một cuộc cách mạng trong các cấp, các ngành. Và ngành Tài chính không đứng ngoài cuộc cách mạng đó.
 
Triển khai các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về sắp xếp và tinh gọn bộ máy, Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, trong đó yêu cầu toàn ngành Tài chính rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, tổ chức lại các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quá trình đổi mới phương thức quản lý, cải cách, hiện đại hóa ngành.
 
Kết quả, từ năm 2017 đến hết năm 2019, ngành Tài chính đã cắt giảm trên 3.700 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến địa phương; đã giảm trên 4.974 chỉ tiêu biên chế so với năm 2015, tương ứng giảm 6,7%, đáp ứng yêu cầu của cấp trên đề ra. Kết quả sắp xếp, hợp nhất các đơn vị thời gian qua đã và đang thể hiện quyết tâm cải cách bộ máy gắn với cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính.
 
Những con số thống kê nói trên phải nói là rất đáng mừng. Nhờ đó ngành Tài chính được các cấp đánh giá, ghi nhận là nêu gương đi đầu trong cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế. Nhưng mừng hơn hết là cả quá trình triển khai, không lời than vãn, không thư khiếu kiện, đó mới thực sự là thành công.
 
Để làm được như vậy, liệu có dễ dàng?
 
Trước tiên, yếu tố tiên quyết để dẫn tới thành công chính là sự chỉ đạo quyết liệt nhưng rất thấu tình đạt lý. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi phát biểu ở các diễn đàn lớn của ngành Tài chính đều nhấn mạnh rằng: Việc thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế là thận trọng nhưng cũng phải quyết đoán. Nguyên tắc tối cao đó là sắp xếp tinh gọn nhưng phải giữ được sự ổn định và đúng chuyên môn. Công tác chuẩn bị phải đồng bộ về tổ chức và con người, đảm bảo không gây xáo trộn. Quan điểm này của người đứng đầu ngành Tài chính cũng được thấm nhuần tới thủ trưởng, lãnh đạo tất cả các đơn vị, hệ thống từ trung ương tới địa phương. Khi triển khai, công tác tư tưởng được đặt lên hàng đầu. Các cấp, các hệ thống đều tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng của công chức và người lao động, đảm bảo không gây xáo trộn lớn trong công tác tổ chức, cán bộ, không ảnh hưởng đến thu ngân sách trên địa bàn cũng như ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn cũng được lãnh đạo các cấp của ngành Tài chính giải quyết rất nhanh chóng, kịp thời. Thực tế, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy diễn ra trong bối cảnh các văn bản quy định chưa được ban hành đồng bộ. Do đó, mỗi bộ, ngành, địa phương lại có cách thức triển khai khác nhau, chưa có một mô hình mẫu để học tập, rút kinh nghiệm. Là một trong các bộ đi đầu nên Bộ Tài chính phải vừa thực hiện, vừa phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền khiến quá trình triển khai kéo dài hơn so với dự kiến. Hơn thế nữa, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị thuộc hệ thống ở địa phương như Thuế, Kho bạc, Hải quan,… dẫn đến địa bàn, đối tượng quản lý của đơn vị mới bị trải rộng trên khu vực tương đối lớn, khoảng cách xa, khó khăn cho việc di chuyển giữa các nơi và giải quyết các thủ tục hành chính phát sinh hàng ngày. Để xử lý, Bộ Tài chính đã đồng ý cấp thêm con dấu, phân cấp, phân quyền để triển khai nhiệm vụ thông suốt.
 
Trên cương vị nào thì trọng trách vẫn không thay đổi
 
Còn ở cơ sở thì sao? Để tìm hiểu căn cơ, chúng tôi lên đường đến với Lai Châu - một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có những đặc thù rất riêng về vị trí địa lý cũng như kinh tế khó khăn và tất nhiên cũng có nhiều đơn vị nằm trong danh sách sáp nhập, bắt đầu từ hệ thống Kho bạc.
 
Qua tìm hiểu, từ 1/10/2019, Kho bạc Nhà nước Lai Châu đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, giảm từ 7 phòng xuống còn 5 phòng. Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện nhiệm vụ của Kho bạc các cấp tại Lai Châu đã được thực hiện thông suốt, không chậm trễ, ách tắc hay có bất kỳ sự phàn nàn nào của khách hàng. Mọi khoản thanh toán của các đơn vị sử dụng ngân sách đều được giải quyết đúng thời hạn và quy định, đảm bảo số liệu chính xác, kịp thời.
 
Anh Điêu Chính Duy tiếp chúng tôi vào một ngày cuối năm khá bận rộn. Trước đây giữ chức vụ Trưởng phòng Tin học tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, sau khi Phòng Tin học sáp nhập với các phòng khác, anh Duy nhận nhiệm vụ Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Nậm Nhùn. Tại tỉnh miền núi nghèo này, Nậm Nhùn lại là một huyện mới đặc biệt khó khăn cách trung tâm tỉnh 120km, để di chuyển tới đây thường mất nửa ngày đường. Kể về “cú chuyển đổi” ngoài kế hoạch này, gương mặt anh Duy thoáng chút tâm tư. Anh nói: “Cái khó phải vượt qua là xa gia đình và làm quen với công việc mới tại một huyện điển hình khó khăn như Nậm Nhùn. Tuy nhiên, sau 2 tháng nhận nhiệm vụ mới, được sự hỗ trợ của lãnh đạo cũng như sự động viên của các đồng nghiệp, chúng tôi đã bắt nhịp hoàn toàn với công việc, tìm được niềm vui những lúc ngoài giờ bên anh em, bạn bè sinh sống tại đây”. Anh không quên nói thêm: “Nhận nhiệm vụ mới cũng giống như một lần thay đổi, thử thách bản thân. Dù công tác ở vị trí nào tôi cũng sẽ không ngại khó, ngại khổ, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao”.
 
May mắn hơn anh Duy, không phải xa gia đình song anh Hà Đình Huynh, vốn là Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Tân Uyên nay nhận nhiệm vụ là Phó Chi Cục trưởng Chi cục thuế khu vực Than Uyên – Tân Uyên sau khi 2 đơn vị được sáp nhập cũng phải di chuyển quãng đường xa gấp đôi, từ 20km lên 40km đường đèo để đi làm. “Với địa hình tỉnh Lai Châu, 40km không dài nhưng không thể đi nhanh được. Hơn nữa, rất khó khăn khi phải đi vào buổi tối” – anh Huynh tâm sự. Tuy nhiên, vẫn không vì thế mà những cán bộ thuế như anh ngại nhiệm vụ. “Toàn ngành Thuế đang chuyển động tích cực cũng là động lực giúp tôi cũng như những cán bộ khác hoàn thành nhiệm vụ của mình” - anh Huynh chia sẻ.
 
Rời Lai Châu, chúng tôi lại vượt qua hàng trăm cây số đường uốn quanh những thung lũng nhỏ nép mình bên con đèo dẫn thẳng ra cửa khẩu Phó Bảng, Hà Giang. Giữa không gian núi rừng bình yên, anh Hoàng Thế Kiên –Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phó Bảng (nay là Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Săm Pun) nói về công tác cán bộ với giọng nói nhẹ nhàng, như những làn khói bảng lảng bay lên giữa cao nguyên đá lạnh giá. Thời gian qua, toàn ngành Hải quan tổ chức sáp nhập 14 chi cục, giải thể 1 chi cục, thành lập mới 3 chi cục và đổi tên 3 chi cục. Nằm trong danh sách đó, tới đây, Phó Bảng trở thành một đội của Chi cục Hải quan cửa khẩu Săm Pun. “Đây là chủ trương của cấp trên, với công chức hải quan dù ở bất kỳ đơn vị nào thì vẫn phải nghiêm túc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xác định như vậy, lãnh đạo Chi cục đã thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của anh em trong đơn vị để phổ biến, tuyên truyền chia sẻ chủ trương của cấp trên đến từng công chức trong các cuộc họp giao ban cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi công chức Hải quan dù ở bất cứ đâu, trên cương vị nào vẫn là những người lính gác cửa nền kinh tế đất nước và là những người gánh vác trọng trách nơi biên cương của Tổ quốc vì vậy dù ở đơn vị nào thì trọng trách ấy vẫn không thay đổi”- anh Kiên nói.
 
Những lời nói cương trực vừa như lời hứa với Ngành, với đơn vị nhưng có lẽ, nhiều hơn là lời dặn dò chính bản thân của các anh khiến chúng tôi hiểu ra một điều “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”. Nếu chỉ có sự quyết liệt từ trên xuống mà thiếu đi sự hi sinh, quyết tâm từ dưới lên thì chắc hẳn ngành Tài chính sẽ không thể đạt được những kết quả trong sắp xếp tổ chức bộ máy đáng nể phục như vậy.
 
Kết
 
Ngồi trên xe rời khỏi những cung đường đèo trở về với Thủ đô, tôi chợt nhớ tới một bài thơ của Bác Hồ:
 
Đi đường mới biết gian lao
 
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
 
Núi cao lên đến tận cùng
 
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non
 
Toàn ngành Tài chính đã đoàn kết vượt qua biết bao gian lao trên con đường cải cách bộ máy. Dẫu biết rằng “núi cao trập trùng” vẫn còn trước mặt khi chỉ tiêu được giao là đến năm 2021 phải cắt giảm tối thiểu 10% biên chế, song với sự đồng sức đồng lòng ấy, tin tưởng rằng không bao lâu nữa, chúng ta sẽ vượt qua ngọn núi cao nhất, ung dung thưởng ngoạn thành công của việc chiến thắng chính mình, góp phần vào thành công chung của cả nước.
 
Phong Lê - (haiquanonline.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu