Thứ hai, 25/05/2020,09:29 (GMT+7)
Ngành thủy sản phục hồi sau hạn mặn
Do chịu tác động mạnh của hạn mặn và dịch Covid-19, ngành thủy sản Bến Tre bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn cách khôi phục và phát triển bền vững ngành thủy sản trong thời gian tới.
 
Xử lý đáy ao nuôi tôm ở huyện Bình Đại. Ảnh: Hoàng Mai
Xử lý đáy ao nuôi tôm ở huyện Bình Đại. Ảnh: Hoàng Mai
 
Thiệt hại nặng nề
 
Những tháng đầu năm 2020, thủy sản bị thiệt hại nặng nề do nắng nóng, mặn xâm nhập sâu, kéo dài hơn trung bình hàng năm và đại dịch Covid-19; trong đó, 3 huyện biển bị thiệt hại nhiều nhất.
 
Tại huyện Bình Đại, tiến độ thả nuôi những tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 72% so với cùng kỳ, tương đương 790ha. Độ mặn vượt ngưỡng cho phép đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm thẻ chân trắng. Mặn đi kèm với nắng nóng làm hệ vi sinh có hại trong ao phát triển mạnh, tôm nuôi dễ mắc bệnh đốm trắng, đầu vàng, phát sáng. Tôm nuôi thiệt hại tăng 33,3%. Trước thời tiết bất lợi, người dân huyện Ba Tri e ngại, hạn chế thả giống. Đầu năm 2020, diện tích thả tôm giống ở Ba Tri giảm khoảng 400ha, giá tôm giảm mạnh. Tại huyện Thạnh Phú, nắng nóng và xâm nhập mặn cũng gây thiệt hại cho hơn 2.373ha (khoảng 70%) diện tích nuôi tôm càng xanh.
 
Đối với nhuyễn thể (nghêu, sò), nghêu và sò chết hàng loạt, nhiều đợt kể từ tháng 1-2020, đến nay vẫn chưa ổn định, với tổng diện tích thiệt hại 599ha.
 
Ngành thủy sản bị thiệt hại nặng nề là một trong những nguyên nhân kéo tăng trưởng kinh tế lĩnh vực nông nghiệp xuống mức âm. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, đây còn là cơ hội cho ngành thủy sản tính toán lại những việc làm cần thiết cho sự phát triển bền vững thủy sản trong tương lai.
 
Các đại biểu cũng thảo luận nhiều về mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn trong bể nổi. Theo đó, qua đợt mặn và nóng này, đã chứng thực mô hình nói trên bước đầu kiểm soát tốt môi trường nuôi và hạn chế dịch bệnh xảy ra. Tôm nuôi đạt kích cỡ lớn, sản lượng lớn mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Đại biểu bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
 
Đại diện Tổ hợp tác nuôi tôm biển thâm canh Bảy An, huyện Thạnh Phú kiến nghị tỉnh đầu tư một con đường dài 10km đi qua khu vực nuôi tôm giữa xã Thạnh Phong và Thạnh Hải để vực dậy khu vực này. Đồng thời, ngành điện tỉnh cần giảm bớt các loại thủ tục và quy trình cấp điện. Bởi, hiện thủ tục hồ sơ xin vào điện mất 1 tháng là quá lâu.
 
Giải pháp phục hồi
 
Bà Trần Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội Thủy sản Bến Tre nêu: “Đến nay, các doanh nghiệp trong cả nước chỉ có 70% tôm nguyên liệu vào nhà máy, bắt đầu có hiện tượng nhập tôm, gây ra mối lo ngại vi-rút lạ có thể xâm nhập vào. Để đạt được tỷ suất lợi nhuận lớn, người nuôi cần hướng đi khác biệt, đó là sản xuất tôm size lớn. Làm được điều này đòi hỏi công nghệ, nhận thức và vốn đầu tư lớn, tổ chức lại sản xuất để đi tìm lợi nhuận tối ưu cho người nuôi”.
 
Chế biến nghêu xuất khẩu ở huyện Bình Đại. Ảnh: Thạch Thảo
Chế biến nghêu xuất khẩu ở huyện Bình Đại. Ảnh: Thạch Thảo
 
Đề cập đến giải pháp thực hiện hướng đi khác biệt, bà Trần Thị Thu Nga cho rằng, công nghệ thì Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Bến Tre đã có. Đó là nuôi 4 - 5 giai đoạn, cải tạo những ao cũ, ao lớn chuyển đổi thành ao tròn. Đối với ao mới làm quy mô nhỏ nhưng đầu tư đúng bài bản. Dịch bệnh luôn phát sinh từ môi trường - vấn đề quản lý dịch bệnh, dư lượng kháng sinh đối với tôm nguyên liệu luôn khiến các nhà máy chế biến tôm đau đầu. Cần ứng dụng công nghệ thảo dược, vi sinh để cân bằng môi trường để “không đụng” tới kháng sinh.
 
Bà Trần Thị Thu Nga đề nghị, xây dựng một mô hình từ đầu vào cho tới đầu ra đối với tôm biển. Hội Thủy sản, các doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh. Người nuôi, nhà khoa học, nhà quản lý cùng bắt tay nhau thực hiện. Cụ thể, đầu vào là ứng dụng công nghệ mới 2, 3, 4, 5 giai đoạn, trong đó một mô hình cho ao cũ, một mô hình cho ao mới. Khi có sản phẩm tôm đủ chuẩn, Sở Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam sẽ bao tiêu sản phẩm. Từ đó, thu hút những người nuôi có cùng chí hướng sản xuất tôm chất lượng, lợi nhuận cao. Hạn chế tình trạng hiện nay mỗi người, mỗi nhà làm một giai đoạn, dẫn tới chưa tổng hợp được sức mạnh tạo thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho con tôm biển.
 
Đối với thủy sản có 3 mảng lớn là nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh còn yếu. Bến Tre là 1 trong 5 tỉnh có vùng nuôi thủy sản lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, lượng tàu thuyền đánh bắt thủy sản của tỉnh khá lớn nhưng còn vi phạm vùng biển nước ngoài.
 
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập thông tin: “Dự báo khu vực kinh tế nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh âm 1,8%. Từ đó, mỗi ngành, mỗi cấp đặt ra vấn đề tập trung, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế. UBND tỉnh đề nghị 6 tháng cuối năm 2020 phát triển nuôi tôm công nghệ cao 2, 3 giai đoạn, mang lại hiệu quả cao và bền vững”.
 
Thạch Thảo - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu