Thứ sáu, 18/10/2019,10:55 (GMT+7)
Ngành Xi măng hướng đến sản xuất “xanh”
Với đặc thù là ngành sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nguyên nhiên liệu không tái tạo được là than, đá vôi, đồng thời phát thải khí CO2 ra bầu khí quyển, ngành công nghiệp sản xuất xi măng đang đứng trước bài toán cân bằng sản xuất với phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trong tương lai không xa, toàn VICEM sẽ là những nhà máy xi măng thông minh, đi đầu sản xuất xanh bền vững.

Xu hướng chung toàn thế giới

Theo thống kê, trung bình trên thế giới mỗi tấn xi măng được sản xuất lại thải ra từ 1,2 - 1,5 tấn CO2 vào bầu khí quyển. Với sản lượng hiện nay, cả thế giới sản xuất và tiêu thụ 3,6 tỷ tấn xi măng hàng năm, ngành công nghiệp xi măng thế giới đang chiếm khoảng 6% tổng lượng CO2 do con người phát thải trên toàn cầu, tương đương 3,24 tỷ tấn CO2 hàng năm.

Trước những vấn nạn về vấn đề môi trường toàn thế giới, Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ các quốc gia kêu gọi các doanh nghiệp xi măng phát triển sản xuất xanh. Trong đó cắt giảm khí thải và gia tăng tỷ lệ pha trộn phụ gia nhằm giảm lượng tài nguyên đá vôi được sử dụng; đặc biệt khuyến khích sản xuất xi măng xanh trong đó sử dụng nguyên nhiệu thay thế hoàn toàn đá vôi được các nước nghiên cứu.

Hàng năm, giá than, điện không ngừng tăng khiến các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp không ít thách thức. Và theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, đến năm 2030, khi thuế môi trường xanh đồng loạt được các quốc gia áp dụng, rất có thể giá thành sản xuất xi măng sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay. Tổ chức Năng lượng thế giới IEA và Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triền bển vững (VVBCSD - World Business Council for Sustainable Development) cũng có cùng quan điểm này.

VICEM - hành động từ thực tế

Với phương châm phát triển một VICEM xanh bền vững, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên kiểm soát chặt chất lượng khí thải, lắp đặt hệ thống quan trắc ô nhiễm môi trường, đồng thời đẩy mạnh xây dựng nhà máy xi măng thông minh.

VICEM thông qua quy trình kiểm soát chất lượng khí thải CO2, chỉ số bụi không khí tại từng dây chuyền sản xuất và công nhân, đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nồng độ ô nhiễm, nồng độ bụi, hệ thống camera giám sát tại khu vực ô nhiễm cao, giám sát chặt chẽ nhằm kịp thời điều chỉnh sản xuất.

VICEM Bút Sơn là đơn vị tiếp theo được VICEM lựa chọn triển khai xây dựng hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện ở các dây chuyền sản xuất xi măng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 453,3 tỷ đồng cho các thiết bị lò hơi PH (PH1 và PH2), lò hơi AQC, hệ thống turbine, máy phát điện... với tổng công suất lắp đặt 12MW, bao gồm 2 tổ máy turbine phát điện, mỗi tổ máy có công suất 6MW. Hệ thống phát điện sử dụng nhiệt khí thải của dây chuyền sản xuất sẽ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu cho sản xuất của toàn nhà máy. Hệ thống sản xuất điện năng của Vicem Bút Sơn được nhập khẩu từ Nhật Bản.

Sau VICEM Bút Sơn, VICEM sẽ tiếp tục lựa chọn các đơn vị phù hợp để triển khai dự án. Trong tương lai không xa, toàn VICEM sẽ có hệ thống nhiệt thừa phát điện; sẽ là những nhà máy xi măng thông minh, trở thành doanh nghiệp lớn đi đầu sản xuất xanh bền vững.

Vũ Huyền - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu