Ngày Môi trường Thế giới Du khách Việt Nam ngày càng yêu thích du lịch bền vững
Để giúp du lịch bền vững hơn hậu Covid-19, du khách Việt Nam mong muốn lựa chọn du lịch sinh thái (59%), hạn chế nhựa sử dụng một lần trên các chuyến bay/nhà nghỉ (57%), khuyến khích trao thưởng bằng tài chính cho các cơ sở lưu trú tối đa hóa hiệu quả năng lượng (40%).
Điểm đến thiên nhiên hiện là lựa chọn của đa số du khách Việt Nam (Ảnh: Oxalis)
Đây là một phần của kết quả khảo sát Xu hướng du lịch bền vững vừa được Agoda công bố nhân Ngày Môi trường Thế giới (5-6).
Agoda - Nền tảng du lịch kỹ thuật số cung cấp mạng lưới toàn cầu, gồm hơn 2 triệu chỗ nghỉ tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đã thực hiện một khảo sát Xu hướng du lịch bền vững và chỉ ra những giải pháp hàng đầu giúp du lịch phát triển bền vững.
Theo khảo sát này, những giải pháp hàng đầu giúp du lịch phát triển bền vững có thể kể đến, gồm cung cấp nhiều hơn những lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường, hạn chế đồ nhựa dùng một lần và có hình thức trao thưởng bằng tiền cho những nhà cung cấp điểm lưu trú thực hiện tốt biện pháp tiết kiệm năng lượng. Trong bảng xếp hạng giải pháp tích cực góp phần giúp du lịch thêm bền vững, nhiều phương pháp hữu ích khác được chỉ ra gồm có thêm nhiều khu bảo tồn nhằm hạn chế lượng khách du lịch, loại bỏ sản phẩm phòng tắm dùng một lần...
Tại Việt Nam, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là đánh giá mức độ quá tải khách du lịch (28%), nạn phá rừng làm du lịch (24%), sử dụng nhiều đồ nhựa dùng một lần tại các điểm đến (16%)... Những người tham gia khảo sát cho biết, nhiều người Việt Nam hy vọng khách sạn, điểm lưu trú bắt đầu chuyển sang sử dụng nước, nguồn năng lượng tái tạo (24%), giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần (16%)..
Trong vai trò là du khách, xu hướng hiện tại của người Việt Nam hiện nay là ưu tiên hơn cho những điểm tham quan nguyên sơ, ít người biết đến; đồng thời tin rằng Chính phủ và đơn vị lữ hành cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm về bảo đảm du lịch bền vững.
Việt Nam cùng với Thái Lan, Indonesia, Philippines và Trung Quốc là những thị trường du lịch hàng đầu cam kết làm sạch các bãi biển.
Tương tự, thống kê thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, người dân nhận định Chính phủ có trách nhiệm chính trong việc tạo nên những thay đổi tích cực với môi trường xoay quanh hoạt động du lịch, kế đến là trách nhiệm của đơn vị hoạt độn trong lĩnh vực du lịch và từng cá nhân. Trong đó, có đến 36% người dân ở Indonesia và Anh dành sự tín nhiệm cao nhất cho Chính phủ; Trung Quốc 33%, Australia 28%, Malaysia 27%...
Mặt khác, người dân toàn cầu tin chính mỗi cá nhân có vai trò quan trọng nhất để du lịch trở nên bền vững.
Tuy không có giải pháp cho tất cả thị trường, nhưng người dân toàn cầu đánh giá những hành động góp phần thúc đẩy du lịch bền vững hoặc thân thiện với môi trường sẽ có lợi cho môi trường và bảo vệ môi trường hơn trong tương lai.
Khi được hỏi về cam kết để du lịch tốt hơn hậu Covid-19, hầu hết những người tham gia khảo sát trên toàn cầu đều trả lời, cách thức quản lý việc sử dụng nhựa dùng một lần là cam kết hàng đầu, sau đó là việc tắt máy điều hòa không khí và đèn khi không sử dụng, và luôn hướng tới các khu lưu trú thân thiện với môi trường.
Ông John Brown, Giám đốc điều hành Agoda, chia sẻ, những bước đơn giản góp phần thúc đẩy du lịch bền vững như tắt đèn và điều hòa không khí khi ra khỏi phòng, giảm thiểu chất thải bằng cách hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần... đang được du khách và người dân trên toàn cầu đón nhận.
Mặc dù có nhiều cách hiểu khác nhau về hoạt động thân thiện với môi trường, du lịch bền vững, nhưng hầu hết du khách đều mong muốn cam kết lựa chọn nơi lưu trú thân thiện với môi trường, đưa ra những lựa chọn thông minh dành cho môi trường khi đi du lịch.