Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tháng 6 và 7-2023 tỉnh Lâm Đồng có mưa liên tục kéo dài, có những tuần ngày nào cũng mưa.
Khu vực sạt lở đèo Bảo Lộc ngày 30-7 khiến 3 cán bộ CSGT hy sinh và anh Phạm Ngọc Anh tử vong.
Cá biệt, trong ngày xảy ra sạt lở tại đèo Bảo Lộc (ngày 30-7) thì lượng mưa đo được đến 196 mm, tức là bằng 1/2 lượng mưa tháng 7-2003 và bằng đúng lượng mưa của tháng 7-1985. Lượng mưa ngày hôm đó lại chỉ diễn ra trong 3 giờ, cường độ mưa gấp đến 20-30 lần lượng mưa trung bình.
"Cứ tưởng tượng một xô nước đổ trong nhà tắm thì đổ xuống lỗ cống chừng này, nhưng ở đây đến 30 thùng nước lớn đổ một lần để thấy được mức độ ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng" - ông Phúc nói.
Dự báo trong tuần này thời tiết sẽ thuận lợi, trời nắng. Thế nhưng, qua đến tuần sau sẽ mưa lớn. UBND tỉnh đã giao các huyện, thành phố khảo sát tất cả những điểm có nguy cơ sạt lở từ quốc lộ, tỉnh lộ, khu dân cư, công trình dân dụng.
Sơ bộ đã có 163 điểm nguy cơ sạt lở. Ngoài những giải pháp đang triển khai, UBND tỉnh sẽ mời nhiều chuyên gia để có hội thảo đánh giá toàn diện nguy cơ sạt trượt, ngập úng… để có góp ý, định hướng đối với tỉnh Lâm Đồng trong giải pháp lâu dài.
Trước đó, chiều 30-7, đèo Bảo Lộc xảy ra nhiều vụ sạt lở đất. Nhóm CSGT Trạm Madaguoi trong lúc có mặt tại chốt trực trên đèo Bảo Lộc thì xảy ra sạt lở từ đồi sầu riêng phía trên xuống làm vùi lấp 3 cán bộ cùng một người dân tên Phạm Ngọc Anh.
Vụ việc làm Trung tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi), Đại úy Lê Quang Thành (46 tuổi), Đại úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) hy sinh và anh Phạm Ngọc Anh tử vong.