Thứ ba, 09/02/2021,10:28 (GMT+7)
Nghề "đỏ mắt", "bỏng tay" giúp nhiều người bám trụ ở phố
Người cạo gừng, người bóc vỏ hành, hì hục làm việc sáng đêm để tranh thủ kiếm thêm ít tiền về quê sắm Tết.
 
Xóm lao động nghèo nằm cách đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 6, TP HCM) vài trăm mét, được định danh bằng công việc cạo vỏ gừng, bóc vỏ hành thuê của một số phụ nữ nơi đây, dù nhiều người cũng có những công việc khác.
 
Tất bật những ngày cuối năm
Xóm trọ nhỏ trên dưới 20 hộ dân, hầu hết từ miền Tây lên lập nghiệp. Một nửa gia đình trong số đó có phụ nữ chuyên nghề cạo vỏ gừng, bóc vỏ hành thuê. Đàn ông thì bán kem dạo khắp các ngỏ ngách, trường học. Vài người khác phụ hồ, bốc vác nhưng hễ rảnh rỗi đều phụ mẹ, phụ vợ cạo gừng, bóc vỏ hành kiếm thêm thu nhập.
 
Nghề đỏ mắt, bỏng tay giúp nhiều người bám trụ ở phố - Ảnh 1.
Những người phụ nữ, đàn ông ngồi bệt trước cửa phòng, cặm cụi lột từng củ hành, cạo từng nhánh gừng tươi.
 
Những ngày cận Tết, bước vào xóm trọ này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ, đàn ông ngồi bệt trước cửa phòng, cặm cụi lột từng củ hành, cạo từng nhánh gừng tươi đến khi sạch sẽ mới mang chất vào bọc ni-long, chờ người thu gom hoặc trực tiếp mang đến nơi đã nhận hàng giao lại. Nghề này làm quanh năm nhưng hối hả, tất bật nhất là tháng trước Tết bởi ai nấy cũng tranh thủ kiếm thêm tiền về quê sắm Tết.
 
Nghề đỏ mắt, bỏng tay giúp nhiều người bám trụ ở phố - Ảnh 2.
Tất bật nhất là tháng trước Tết, bởi ai nấy cũng tranh thủ kiếm thêm tiền về quê sắm Tết.
 
Chỉ vào 2 bịch gừng đã sạch vỏ, chị Hồng (SN 1979, quê Cần Thơ) cười nói: "Công sức hai vợ chồng ngồi cạo suốt buổi tối đó. Giờ chồng đi bán rồi, mình tui mần tiếp". Chị nói rồi cầm chiếc muỗng inox cạo thoăn thoắt, chẳng mấy chốc củ gừng đã sạch.
 
Nhìn chị làm, dễ nghĩ đây là công việc đơn giản. Nhưng thật ra đâu có dễ dàng! Củ gừng cong vẹo, nhiều khóe hẹp, để làm sạch khá kỳ công. Cạo đến củ thứ hai tay mỏi nhừ. Củ thứ ba, tay nóng bừng lên. Người cạo gừng bao giờ cũng để sẵn thau nước bên cạnh. Đó là "mẹo" để dễ cạo hơn, cũng là cách giảm sức nóng của loại nguyên liệu cay nồng này.
 
Nghề đỏ mắt, bỏng tay giúp nhiều người bám trụ ở phố - Ảnh 3.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khá kỳ công.
 
Lột vỏ hành thì không cần thau nước bên cạnh, nhưng mùi hành hăng hắc dễ khiến mắt cay xè. Hì hục cả ngày, nhiều khi nước mắt chảy ròng ròng.
 
Theo lời người thạo nghề, ngày trước phụ nữ ở xóm này đều cạo gừng, lột hành. Nhưng đến nay, nhiều người rất sợ công việc này vì phải ngồi hoài một chỗ. Xương khớp ít vận động, dần dà sinh nhức mỏi triền miên. Lại thêm nóng bỏng tay, rát mắt khiến nhiều người chịu không nổi phải kiếm việc khác mưu sinh.
 
"Đua" với Tết
Nghề vất vả nhưng thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày. "Mỗi ký gừng, hành làm sạch sẽ được trả 4.000-5.000 đồng. Làm bao nhiêu sẽ được trả công bấy nhiêu. Nhưng dù nhanh tay, chăm chỉ, mỗi ngày cũng chỉ kiếm trên dưới trăm ngàn đồng" – chị Tuyết Hằng (SN 1980, quê Bến Tre) nói. Ngoài 1,2 triệu đồng tiền phòng trọ, mỗi tháng chị còn cần hơn 2 triệu để trang trải các khoản ăn uống trong nhà. Tiền học của con thì trông chờ vào xe kem của chồng.
 
Nghề đỏ mắt, bỏng tay giúp nhiều người bám trụ ở phố - Ảnh 4.
Cuộc sống không dễ dàng
 
Cuộc sống không dễ dàng nhưng đổi lại, chị Hằng có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, đưa đón con đi học mỗi ngày. Từ thời con gái, bỏ quê lên phố, chị đã phải làm đủ nghề mưu sinh, từ công nhân, nhân viên nhà hàng, khách sạn đến phục vụ ở các quán cà phê, quán nhậu… Sau giờ làm, chị nhận thêm gừng về cạo. Đến lúc có chồng, sinh con, chị quyết định bỏ hết công việc để ở nhà trông con và cạo vỏ gừng. Đến nay, con chị lên lớp 1 còn chị thạo nghề ngót nghét hơn 10 năm.
 
Nghề đỏ mắt, bỏng tay giúp nhiều người bám trụ ở phố - Ảnh 5.
Vào vụ Tết, những người lột hành thuê thường bắt đầu công việc từ lúc tờ mờ sáng đến 23 giờ mỗi ngày.
 
Nhắc đến chuyện sắm sửa Tết, chị Hằng giơ củ gừng lên trước mặt: "Đây, có Tết hay không là nhờ nó đó". Chị cười giòn tan.
 
Chiều đến, trong phòng trọ hơi tối, muỗi cũng bắt đầu vo ve. Lúc này, một nhóm gần 10 người đàn ông, phụ nữ mang những bao tải hành đầy ụ đổ lên tấm phản ở cuối dãy trọ, vừa ngồi bóc vỏ, vừa rôm rả chuyện sắm Tết. Những ngày này, công việc của họ thường bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng kéo dài đến tận 23 giờ mỗi ngày. Có người làm đến 60 kg/ngày.
 
Nghề đỏ mắt, bỏng tay giúp nhiều người bám trụ ở phố - Ảnh 6.
"Tăng ca" Tết, có người lột được 60kg hành/ ngày.
 
Năm nay, vợ chồng anh Nộ (SN 1989) - chị Dương (SN 1990) sẽ ở lại TP HCM đón Tết. Anh Nộ cho biết Tết đến, xe kem của anh sẽ bán được nhiều hơn. Phần chị vẫn lột hành đến khi chỗ cấp hàng nghỉ Tết.
 
Nghề đỏ mắt, bỏng tay giúp nhiều người bám trụ ở phố - Ảnh 7.
Vợ chồng anh Nộ - chị Dương quyết định ở lại TP HCM "tăng ca".
 
"Ráng làm thêm những ngày này thì mẹ và hai đứa nhỏ ở quê sẽ có Tết đầy đủ hơn. Qua Tết, chi phí rẻ hơn, vợ chồng về ăn Tết trễ cũng không sao" – chị Dương vừa nói vừa cặm cụi lột hành, mắt đỏ hoe.
 
Ý Linh (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu