Nói về cái duyên đến với nghề này, anh Mỏng chia sẻ: “Trước kia, tôi là thợ đóng ghe, xuồng có thâm niên trong nghề. Rồi nghiệp đóng xuồng bấp bênh dần theo thời gian, tôi tạm ngưng. Song tôi vẫn nhớ nghề, ý tưởng đóng xuồng ghe mi-ni cũng từ đó nảy sinh. Tưởng là chỉ làm chơi, giải khuây, nhưng những sản phẩm tạo thành y như nguyên bản với hình dạng mi-ni được nhiều người chú ý, rồi hỏi mua, tôi gắn bó với nghề từ đó”.
Trình làng những sản phẩm tâm đắc nhất của mình với chúng tôi, anh Mỏng bộc bạch, làm ra một sản phẩm mi-ni giống như nguyên bản thật không hề dễ. Bởi, đóng theo cỡ lớn thì đã có kích thước sẵn, cứ thế mà làm.
Còn thu nhỏ về hình dáng mi-ni thì phải gọt, đẻo, trau chuốt tỉ mỉ hơn để mọi thứ trông thật hài hòa. Làm riết quen tay, những sản phẩm của anh Mỏng không chỉ giống như thật, mà còn được anh sáng tạo theo cảm hứng để làm nên dấu ấn riêng. Từ xuồng ba lá, ghe chở lúa, thuyền buồm đến tàu du lịch hay tàu hải quân… đều được đôi bàn tay khéo léo của anh Mỏng tạo nên sắc sảo, kỳ công.
Vợ anh Mỏng, người phụ nữ chăm chỉ phụ chồng bày tỏ: “Để làm được những chiếc ghe xuồng này là một kỳ công, bởi chúng được thu nhỏ từ những mẫu ghe xuồng lớn và đầy đủ các chi tiết. Loại gỗ được sử dụng là xoan đào để sản phẩm đẹp và bền hơn”. Thế mới hiểu, để thu nhỏ một mẫu ghe xuồng rất gian nan, nhưng nhờ đôi tay khéo léo mà anh Mỏng đã cho ra đời những sản phẩm khiến nhiều người thán phục.
Theo anh Mỏng, để đóng được xuồng ghe mi-ni phần lớn phụ thuộc vào sự phán đoán và cặp mắt "nhà nghề". Khi được hỏi, với nghề này thì công đoạn nào được cho là khó nhất, mất nhiều thời gian, công sức nhất. Anh Mỏng không chần chừ trả lời mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất định và có cái khó riêng nhưng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu công đoạn chọn gỗ đóng sản phẩm mình xem nhẹ thì cũng không được, vì đây là điều kiện quyết định sản phẩm làm ra có đẹp và bền hay không. Hay công đoạn xẻ gỗ rồi mài, lắp ráp… nếu không chú tâm thì không làm toát lên sự cân xứng, giá trị nghệ thuật từ những tác phẩm mi-ni.
“Dù là làm ở kích thước mi-ni nhưng tôi luôn tâm niệm phải mang đến sản phẩm thật nhất đến tay khách hàng. Đó chính là giá trị của sản phẩm mình làm ra. Không vì lợi nhuận mà có thể cho phép bản thân cẩu thả ở bất kỳ công đoạn nào” - anh Mỏng tâm sự. Qua chia sẻ chân tình ấy, chúng tôi biết rằng, đây là một nghề không hề đơn giản, phải có sự kiên trì, lòng yêu nghề cao, tính tỉ mỉ cao mới gắn bó với nghề được. Sự hợp thành của những yếu tố trên đã tạo nên những chiếc xuồng, ghe, tàu y như nguyên bản. Trong đó không chỉ toát lên cái “hồn” mà còn thể hiện được nét dân dã, truyền thống trong nghề đóng tàu, ghe mi-ni ấy. Những sản phẩm khi hoàn thiện thì được phủ lớp sơn PU nhằm tôn thêm vẻ đẹp và giữ độ bền cho sản phẩm lâu hơn.
Theo đó, tùy vào đơn đặt hàng, anh Mỏng đóng được nhiều kích cỡ tàu, thuyền khác nhau. Từ cỡ nhỏ 4-5 thước đến cỡ trung 7-8 thước, cỡ lớn có khi lên đến 1,4 thước. Giá cả vì thế cũng tùy thuộc vào kích thước và mẫu mã từng sản phẩm, trung bình, mỗi sản phẩm có giá từ 250.000 đồng đến 2 triệu đồng. Nếu đến tận cơ sở và xem quá trình anh Mỏng từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn chỉnh một sản phẩm mi-ni sẽ cho rằng, giá đó chẳng thấm gì so với giá trị nghệ thuật được tạo hình trong tác phẩm.
“Với những sản phẩm đơn giản, tôi mất khoảng 1,5 ngày là đóng xong, phức tạp hơn thì mất vài ba ngày. Hầu hết khách hàng là người du lịch, khách vãng lai, hay những cửa hàng, quán cà phê… Gần Tết là thời điểm hàng bán chạy nhất vì để phục vụ nhu cầu trang trí cửa hàng, nhà cửa. Song, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng của tôi bán chậm hơn hẳn. Mong sang năm mới sẽ nhiều may mắn, dịch bệnh mau chóng qua đi để mọi người kinh doanh thuận lợi hơn!” - anh Mỏng hy vọng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)