Thứ ba, 28/01/2020,10:13 (GMT+7)
Nghệ thuật trên gỗ
Nói về nghệ thuật trang trí trên gỗ, người ta nghĩ ngay đến những người thợ ở các làng nghề truyền thống với đôi tay điêu luyện dùng kỹ thuật chạm, mài, đục… tạo nên hoa văn độc đáo. Hiện nay, gỗ vẫn là sự lựa chọn trong trưng bày nội thất bởi tính sang trọng, cổ điển, hài hòa với mọi không gian và phát triển thêm kỹ thuật làm đẹp mới lạ.
 
Nhờ công nghệ, gỗ được khắc bằng nhiệt, mũi CNC, khắc laser với những tính năng ưu việt, cho đường nét sắc sảo. Tuy nhiên, tài hoa khéo léo để sản phẩm có hồn và hút khách vẫn phụ thuộc vào thợ làm là chính. Đó là lý do những sản phẩm gỗ trang trí ngày nay trở nên thịnh hành, đặc biệt ưu ái những người thợ biết kết hợp hài hòa giữa hoa tay, óc thẩm mỹ và máy móc.
 
Hồn quê hương qua bút lửa
 
Kết hợp hội họa với gỗ, anh Phạm Hữu Tài (xã Hội An, Chợ Mới, An Giang) đã vẽ lại chính tâm hồn của mình thành tác phẩm nghệ thuật. Tình yêu quê hương đất nước qua cảnh đẹp của dòng sông, mái đình, buổi hoàng hôn, con cá, đàn chim tìm về tổ ấm… quen thuộc nơi quê nhà đều được anh chuyển tải từ ngòi bút lửa lên gỗ.
 
Vốn không phải họa sĩ, cũng chưa từng học qua thầy, anh Tài chỉ có duy nhất niềm đam mê với hội họa từ thuở nhỏ. Tình cờ trong lần đi Đà Lạt, gặp một họa sĩ ngồi vẽ tranh bút lửa, những hình ảnh lướt qua rất nhanh nhưng đã khơi dậy niềm đam mê trong anh.
 
Trở về nhà, anh tự nghiên cứu bộ đồ nghề với dây đồng, nguồn điện dẫn. Ý tưởng, cảm hứng đến từ những mẫu hoa văn, câu chữ truyền sang mẫu gỗ bằng các đường nét đậm nhạt qua thao tác bàn tay, những đường lướt thanh thoát. Những lúc rảnh và ngày cuối tuần, vẽ tranh là thú vui duy nhất của anh Tài.
 
Anh kể, mê vẽ đến nỗi có khi ngồi miệt mài cả buổi, ai đến khều vai cũng không hay. Trước sân nhà, anh dành 1 góc để treo các sản phẩm bán, lấy đó làm nguồn thu để đầu tư tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê.
 
Khách tò mò đến xem rồi đặt hàng ngày càng nhiều. Tính đến nay anh Tài đã vẽ gần 1.000 mẫu, từ tranh đồng hồ, tùng hạc, thư pháp, lịch, đến chân dung và các mẫu nhỏ nhặt như móc khóa, khung chữ.
 
Tranh bút lửa của anh Phạm Hữu Tài
 
Làm họa sĩ tay ngang chưa tròn 3 năm, nhưng những mẫu vẽ anh Tài thực hiện chưa thất bại 1 bản nào, được khách khen và mua hết. Mùa Tết, khách đặt hàng anh thực hiện đến trăm bức tranh.
 
Trung bình mỗi bức sẽ vẽ mất 2 ngày, trong đó khó nhất là tranh chân dung, ngoài kỹ thuật truyền thần còn phải thể hiện hồn người qua đôi mắt, nét bút từng chi tiết nhỏ.
 
Nguyên liệu gỗ được anh đặt mua từ tỉnh Bình Thuận, chủ yếu là gỗ lồng mức rừng - nền chính của tranh bút lửa bên cạnh gỗ bạch tùng, có ruột trắng tự nhiên, nền mịn, qua thời gian cũng không bị “biến” màu.
 
Sau khi giao cho thợ cưa, bào nhẵn, anh tự tay chà nhám rồi mới vẽ. Trước đây, anh còn sơ họa trước khi cầm bút lửa, giờ đã quen tay, ý tưởng nào trong đầu chỉ việc vẽ thẳng lên gỗ.
 
Chủ đề tranh được thực hiện theo nhu cầu của khách, nhưng cũng có khá nhiều tranh, theo quan sát cá nhân, anh luôn gợi ý để vẽ nội dung phù hợp, thiết kế sao cho đẹp nhất. Hiện nay, sản phẩm hút hàng nhất là tranh chữ thư pháp bởi mang ý nghĩa, phong thủy, kế đến là tranh chân dung.
 
Vì đam mê, anh Tài không ngại làm sản phẩm kích cỡ lớn hay vụn vặt. Giá thành dao động vài chục ngàn từ các móc khóa nhỏ đến 3 triệu đồng cho một bức tranh hoàn thiện.
 
Sáng tạo với gỗ trang trí
 
Khởi nghiệp với sản phẩm ráp mô hình bằng tăm tre và đã khẳng định chất lượng, năng khiếu qua Hội thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh, chàng trai 9X Nguyễn Vũ Linh (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang) tiếp tục lấn sân sang các sản phẩm trang trí từ gỗ. Hai nguyên liệu chính được sử dụng là thân còng làm nền và gỗ lồng mức rừng để cắt chữ, trang trí họa tiết.
 
Đích thân Linh đến tận nơi cưa xẻ chở về, phân mỏng từng miếng theo kích cỡ, phơi qua nhiều nắng và trở mặt đều đặn đến khi gỗ đạt độ thẳng, giữ lại màu sắc tự nhiên. Toàn bộ quá trình sơ chế không có một can thiệp xử lý nào khác từ hóa chất, thành phẩm sau cùng được sơn phủ nhiều lớp để chống mối mọt.
 
“Qua một số mẫu đầu tay như móc khóa, logo, biển hiệu, khách hàng đã tìm đến em nhiều hơn để đặt làm sản phẩm mới. Hưởng ứng theo phong trào chống rác thải nhựa, em tiếp tục nghiên cứu tạo nhiều mẫu, như: bảng tên để bàn làm việc, hộp bút, mặt bàn gỗ, cặp câu đối và tranh lịch phù điêu, biển hiệu cho quán cà phê hoặc shop kinh doanh… Các kiểu chữ cũng linh hoạt từ thư pháp, chữ in, viết bằng bút lửa. Tùy mức độ phức tạp và chi tiết thêm nhiều hay ít mà định giá cả.
 
Thị trường hiện nay không thiếu những sản phẩm trang trí bằng gỗ, nên em luôn nỗ lực cho mỗi “đứa con tinh thần” luôn khác biệt, dấu ấn riêng và phát huy sự tỉ mỉ trong lao động thủ công” – Vũ Linh chia sẻ.
 
Đa dạng sản phẩm trang trí từ gỗ do chàng trai 9X Nguyễn Vũ Linh thực hiện
 
Căn phòng nhỏ được Vũ Linh thuê lại là “nhà xưởng” hàng ngày anh thợ trẻ cùng 1 đệ tử chế tác. Nổi bật giữa không gian khiêm tốn là hàng chục sản phẩm phân theo nhóm, thu hút sự chú ý ngay từ những công đoạn dang dở.
 
Trên bố cục mặt gỗ phẳng, mọi chi tiết được tính toán, sắp xếp cân xứng, hài hòa, từng con chữ nhỏ to cắt gọt thật cẩn thận và dán thủ công.
 
Với tranh lịch hoặc tranh câu đối, ngoài làm theo yêu cầu, Vũ Linh còn tìm tòi để thực hiện những câu đối hay, ý nghĩa, đa dạng cho khách lựa chọn.
 
Hay với hộp cắm bút có biểu tượng Đức Quản cơ Trần Văn Thành đang có số lượng lớn được Linh chụp lại từ tượng thật, đồ họa trên máy rồi cắt hình, phần còn lại là chữ bằng bút lửa.
 
Quan sát những chi tiết nhỏ nhặt nhất mới nhận ra chàng thợ trẻ yêu nghề không hề để lãng phí các phần gỗ vụn - một cách trân trọng món quà của tự nhiên. Xu hướng thân thiện với môi trường giúp các sản phẩm của Vũ Linh được chú ý và thực hiện ngày càng nhiều.
 
Vũ Linh cho biết, ngoài đơn đặt hàng, bạn còn ký gửi sản phẩm trong một số cửa hàng tại chợ thị trấn Cái Dầu, chợ thị trấn An Châu và sắp tới là Cửa hàng khởi nghiệp của thanh niên.
 
MỸ HẠNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu