Chủ nhật, 26/03/2023,06:03 (GMT+7)
Nghe tiếng ngàn xưa vọng về: Rực rỡ văn hóa Sa Huỳnh
Với hàng ngàn hiện vật được khai quật từ 26 di tích cùng rất nhiều hiện vật khác nằm rải rác ở 80 địa điểm, các nhà khoa học có cái nhìn sáng tỏ về nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ cách đây hơn 2.000 năm
 
Ngày 24-3-2003, tỉnh Quảng Ngãi đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa Sa Huỳnh của Thủ tướng Chính phủ. Quảng Ngãi cũng đang thực hiện công việc khảo cổ, sưu tầm, chỉnh lý trưng bày các hiện vật, tài liệu để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận văn hóa Sa Huỳnh là Di sản văn hóa thế giới.
 
Sáng tỏ nền văn hóa cổ xưa
Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909, tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi và được lấy tên địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này: "Văn hóa Sa Huỳnh". Quảng Ngãi là địa phương có nhiều khảo cổ liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh nhất và cũng là nơi mà nền văn hóa này mở rộng không gian cư trú từ duyên hải ra tận hải đảo rồi lên vùng núi cao. Nơi đây là cái nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh tồn tại xuyên suốt thời gian hơn 1.000 năm trước khi văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ.
 
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết liên quan đến nền văn hóa Sa Huỳnh, ngành khảo cổ đã có rất nhiều công trình khai quật quy mô khác nhau. Lớn nhất là đợt khai quật cách đây hơn 10 năm ở thung lũng Sông Tang, do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện, đã phát hiện hàng ngàn hiện vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh.
 
"Những hiện vật được phát hiện gồm khu mộ táng, đồ gốm, rìu đá, cuốc đá ở giai đoạn đầu (cách đây khoảng 3.000 năm), dụng cụ lao động bằng đồng (cách đây khoảng 2.000 năm) và muộn hơn một chút đã có đồ sắt... đã giúp các nhà khoa học có cái nhìn tổng quan, đặc biệt có giá trị về nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ cách đây hơn 2.000 năm" - tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, người phát hiện và chủ trì khảo cổ ở thung lũng Sông Tang, đánh giá.
 
Nghe tiếng ngàn xưa vọng về: Rực rỡ văn hóa Sa Huỳnh - Ảnh 1.
Các mộ táng được khai quật ở thung lũng Sông Tang - thuộc văn hóa tiền Sa Huỳnh có niên đại cách đây 2.500-3.000 năm
 
Ngoài công trình khảo cổ ở thung lũng Sông Tang, năm 2005, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi thực hiện khai quật ở Gò Quê (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng phát hiện hàng trăm hiện vật khác nhau thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Còn tại những địa điểm khai quật có quy mô nhỏ hơn như Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng đã phát hiện hàng loạt mộ chum và đồ tùy táng được chôn theo các ngôi mộ, gồm: đồ gốm, đồ trang sức bằng đá, thủy tinh, ngọc trai...
Lần theo dấu vết của văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khoa học còn phát hiện các di vật khai quật ở Lý Sơn, các nơi khác có mối tương quan với văn hóa Sa Huỳnh và có giao thoa với Đông Nam Á, Trung Hoa và Ấn Độ cổ xưa.
Còn chính tại vùng ven biển Sa Huỳnh, các nhà khoa học phát hiện một không gian văn hóa sinh tồn quanh đầm An Khê. Xung quanh đầm có cồn cát, bãi biển, rừng… là môi trường sinh sống cho phương thức săn bắt, hái lượm của người xưa. Nơi đây còn có một tiền cảng để các tàu bè qua lại buôn bán, trao đổi lấy nước ngọt.
 
"Với những công trình khảo cổ đã thực hiện ở Quảng Ngãi và dọc miền Trung và Tây Nguyên, có thể thấy nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ Hà Tĩnh (tiếp giáp với nền văn hóa Đông Sơn) vào đến tận Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên, xuất hiện cách ngày nay khoảng 3.000 đến 2.500 năm trước (văn hóa tiền Sa Huỳnh) và kết thúc vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên (văn hóa Sa Huỳnh)" - giáo sư Nguyễn Khắc Sử, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhận định.
Cần "đại chúng hóa"
Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, những công trình khảo cổ và phát hiện hiện vật chỉ dừng lại ở giá trị nghiên cứu và chỉ có các nhà khoa học hiểu, cho đến bây giờ vẫn chưa "đại chúng hóa" nền văn hóa Sa Huỳnh. "Phần lớn những hiện vật sau khi khai quật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, một số được trưng bày tại Khu Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Sa Huỳnh. Vừa rồi, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Hội Khảo cổ học Việt Nam thực hiện đợt chỉnh lý lần đầu với những hiện vật khai quật ở thung lũng Sông Tang nhưng do số lượng hiện vật khai quật rất nhiều nên cần phải có thời gian và kinh phí thực hiện các đợt chỉnh lý tiếp theo" - tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết.
 
Nghe tiếng ngàn xưa vọng về: Rực rỡ văn hóa Sa Huỳnh - Ảnh 2.
Các mộ táng được khai quật ở thung lũng Sông Tang - thuộc văn hóa tiền Sa Huỳnh có niên đại cách đây 2.500-3.000 năm
 
Còn theo nhà nghiên cứu Hồ Vũ Thủy Tiên, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn di sản, mặc dù phát hiện một nền văn hóa cổ mang tầm cỡ thế giới bao gồm nhiều hiện vật nằm giữa một không gian mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử nhưng văn hóa Sa Huỳnh vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nó.
 
"Có một thực trạng là việc bảo tồn di sản văn hóa Sa Huỳnh đã được đề ra trước đây rất nhiều, như xây dựng nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh để trưng bày các hiện vật được tìm thấy cho khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu nhưng nhà trưng bày này rất ít khách tới... Việc này xuất phát từ khâu tuyên truyền cũng như giới thiệu về văn hóa Sa Huỳnh tại địa phương còn nhiều hạn chế; việc đầu tư chưa đồng bộ, kết nối còn thiếu… nên giá trị văn hóa Sa Huỳnh vẫn còn ít người biết đến" - nhà nghiên cứu Hồ Vũ Thủy Tiên nhận định.
 
Dù chưa được "đại chúng hóa", phát huy hết giá trị sau hơn 100 năm từ khi phát hiện (vào năm 1909) nhưng theo nhiều chuyên gia nghiên cứu di sản, những giá trị di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh này có nguy cơ bị xóa sổ nếu tỉnh Quảng Ngãi cho phép triển khai dự án điện mặt trời tại đầm An Khê. 

 

Cần thiết bảo vệ quần thể Di tích đầm An Khê

Theo các nhà chuyên môn, Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo... Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là "bảo tàng sống" cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Di sản văn hóa dân gian của cư dân sống quanh đầm An Khê, nương tựa vào đầm An Khê là một di sản văn hóa phong phú, đặc trưng, cần phải được sưu tầm, nghiên cứu toàn diện... Do vậy, các nhà chuyên môn cho rằng việc bảo vệ quần thể Di tích đầm An Khê là hết sức cần thiết.

 
Kỳ tới: Dấu tích người tiền sử ở Tây Nguyên
 
Bài và ảnh: Tử Trực (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu