Chủ nhật, 09/05/2021,19:12 (GMT+7)
Nghịch lý ở Ấn Độ: Trầy trật nhập viện, sống chết đòi xuất viện
Chị Goldi Patel (25 tuổi) phải rong ruổi khắp thủ đô New Delhi - Ấn Độ dưới cái nóng gay gắt của mùa hè trong suốt 3 ngày để tìm bệnh viện chữa trị Covid-19 cho chồng.

Bốn bệnh viện đã từ chối chị Patel, người đang mang thai 7 tháng, trước khi chị tìm được 1 bệnh viện chịu tiếp nhận chồng chị. Tuy nhiên, điều kiện chăm sóc tại Bệnh viện và Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel, một bệnh viện dã chiến nằm ở ngoại ô thủ đô New Delhi, thiếu thốn đến mức chồng chị Patel phải xin được xuất viện.
 
Xung quanh anh Sadanand Patel (30 tuổi), nhiều người đang chết dần chết mòn. Anh hầu như không được tiếp xúc bác sĩ và được cho uống rất ít thuốc. Phổi của anh Patel đã bị ảnh hưởng đến 80% và anh cực kỳ lo sợ. "Tôi rất sợ. Nếu sức khỏe của tôi trở nên nghiêm trọng, tôi nghĩ họ không thể cứu tôi" - anh Sadanand chia sẻ.
 
Khi các ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Ấn Độ, hệ thống chăm sóc y tế của nước này quá tải. Giường bệnh, oxy và nhân viên y tế đều thiếu thốn. Một số bệnh nhân tử vong ở phòng chờ hay tại các phòng khám đông đúc trước khi được gặp bác sĩ.
 
Nghịch lý ở Ấn Độ: Trầy trật nhập viện, sống chết đòi xuất viện - Ảnh 1.
Anh Sadanand Patel trong bệnh viện Sardar Patel. Ảnh: Sadanand Patel
 
Chỉ có 1 số bệnh nhân được nhập viện nhưng trong trường hợp đó, họ lại đối mặt với 1 nỗi sợ khác: không có sự chăm sóc hay vật tư y tế.
 
Hồi tháng 2, giới chức trách đã ra lệnh đóng cửa bệnh viện dã chiến Sardar Patel vì tin rằng Ấn Độ đã đánh bại Covid-19. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, cơ sở với 500 giường bệnh này được mở cửa trở lại vào ngày 26-4 rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
 
Anh Sadanand nhập viện 1 ngày sau khi Sardar Patel mở cửa. Khi chị Patel đến thăm chồng vào ngày hôm sau, nơi này đã đông nghẹt bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến Sardar Patel được dựng lên theo kiểu nhà kho và 1 số bệnh nhân phải nằm trên giường làm bằng bìa các tông.
 
Anh Sadanand cho biết số lượng thuốc men rất hạn chế và anh chỉ được gặp bác sĩ 1 hoặc 2 lần trong 3 ngày nhập viện. Anh đã chứng kiến 2 người đàn ông giường bên cạnh kêu gào đòi uống thuốc đến khi tử vong chỉ trong vòng vài giờ khi hết oxy hỗ trợ. Đến ngày 1-5, ít nhất 5 người xung quanh anh Sadanand đã chết. Một thi thể nằm ở giường bên cạnh anh suốt nhiều giờ mới được đưa đi.
 
Nghịch lý ở Ấn Độ: Trầy trật nhập viện, sống chết đòi xuất viện - Ảnh 2.
Bên trong bệnh viện dã chiến Sardar Patel. Ảnh: Sadanand Patel
 
Tháng trước, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ thông báo họ sẽ "nhanh chóng" mở rộng cơ sở này lên 2.000 giường bệnh với nguồn cung cấp oxy để giải quyết khủng hoảng giường bệnh của thành phố. Khoảng 40 bác sĩ và 120 chuyên gia y tế đã được điều động đến trung tâm.
 
Nhưng những điều này không hề đúng với trải nghiệm tại bệnh viện của anh Sadanand. "Chính phủ nghĩ rằng họ đã mở cửa bệnh viện và các bệnh nhân đang được chữa trị nhưng thực ra những điều này không hề xảy ra" - anh cho biết.
Các bác sĩ không thường xuyên kiểm tra bệnh nhân. Anh Sadanand lo rằng anh có thể trở nên quá yếu để gọi được bác sĩ. Một bệnh nhân nằm ở giường gần đó còn khuyên anh rời khỏi bệnh viện này nếu cảm thấy khá hơn dù chỉ 1 chút.
 
Nghịch lý ở Ấn Độ: Trầy trật nhập viện, sống chết đòi xuất viện - Ảnh 3.
Chị Goldi Patel. Ảnh: Goldi Patel
 
Những người khác cũng phải trải qua điều tương tự như anh Sadanand. Cô Sarita Saxena kể với đài CNN hôm 30-4 rằng anh rể cô được nhận vào trung tâm Sardar Patel sau khi bị ít nhất 7 bệnh viện khác từ chối.
 
Cô Saxena không tin rằng nơi này có bất kỳ bác sĩ nào đang chữa trị cho bệnh nhân và những người duy nhất chăm sóc họ là gia đình và bạn bè. Chính những người này cũng có nguy cơ nhiễm Covid-19 vì trung tâm không có tường ngăn cách.
 
Thân nhân của người bệnh cũng lo lắng đến mức tìm cách cho người thân xuất viện. Theo lời anh Sadanand, anh sợ đến mức liên tục đề nghị bác sĩ và vợ chuyển anh đến 1 bệnh viện khác. Tuy nhiên, chị Patel rầu rĩ cho biết sẽ không có bệnh viện nào tiếp nhận anh.
 
"Anh ấy bảo tôi đưa anh ấy rời khỏi chỗ này. Anh ấy muốn ở nhà. Anh cảm thấy không khỏe khi ở đây và rất sợ hãi. Tôi cố giải thích với anh ấy rằng nếu anh ở đây, ít nhất anh còn được thở oxy" - chị Patel nói.
 
Nghịch lý ở Ấn Độ: Trầy trật nhập viện, sống chết đòi xuất viện - Ảnh 4.
Vợ chồng chị Goldi Patel. Ảnh: Goldi Patel
 
Dù yên tâm về việc chồng có oxy để thở nhưng chị Patel lại có nỗi lo khác về tình hình sức khỏe của chồng. Vì không có thuốc điều trị tình trạng nhiễm trùng trong phổi, phổi của anh Sadanand đã bị tổn thương tới 80%.
 
Mỗi lần ngồi dậy, anh lại ho dữ dội và đau xé lồng ngực. Trong viện, anh được cung cấp thức ăn, nước uống và oxy nhưng lại không có thuốc. Sau khi chị Patel dọa tự sát, nhân viên bệnh viện mới đưa cho anh Sadanand thuốc kháng sinh.
 
Chị Patel cũng rất lo lắng cho bản thân vì chị đang mang thai 7 tháng và không chắc mình có bị nhiễm Covid-19 hay không. Chị không có triệu chứng nhưng việc xét nghiệm sẽ tốn tới 900 rupee. Dù vậy, thai phụ này khẳng định vẫn sẽ hỗ trợ chồng vì họ chỉ có thể nương tựa vào nhau khi gia đình bố mẹ hai bên đều sống ở bang Uttar Pradesh.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu