Thứ sáu, 28/08/2020,10:18 (GMT+7)
Nghiệm thu dự án khoa học về mô hình tôm - lúa luân canh
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh tổ chức Hội đồng khoa học cấp tỉnh để tư vấn nghiệm thu dự án “Xây dựng và phát triển mô hình tôm - lúa luân canh trên vùng đất phèn nhiễm mặn ở huyện Long Mỹ”. Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là Sở NN&PTNT tỉnh.
Đơn vị chủ trì báo cáo kết quả đạt được của dự án tại buổi tư vấn nghiệm thu.
 
Dự án được thực hiện trong 24 tháng (từ tháng 5-2017 đến tháng  5-2019) và được Sở KH&CN tỉnh cho gia hạn thêm 12 tháng (đến tháng 5-2020). Địa điểm thực hiện là khu vực ngoài đê bao ngăn mặn thuộc ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Từ mục tiêu trọng tâm của dự án là xây dựng mô hình nuôi tôm sú quảng canh (QC) và quảng canh cải tiến (QCCT) luân canh với lúa trên vùng đất phèn nhiễm mặn và nâng cao thu nhập cho người dân được tăng lên 1,5-2 lần so với sản xuất một vụ lúa/năm.
 
Thời gian qua, cơ quan chủ trì dự án đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân tại địa điểm thực hiện dự án triển khai không ít công việc có liên quan và đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, thực nghiệm nuôi tôm sú QC không cho thức ăn bổ sung đạt năng suất 104-128 kg/ha/vụ, lợi nhuận bình quân đạt 13,3 triệu đồng/ha; ở mô hình nuôi QCCT có cho ăn bổ sung đạt năng suất 228,9-241,2 kg/ha/vụ, lợi nhuận bình quân 20,7 triệu đồng/ha. Ở vụ lúa, các giống lúa được sử dụng để gieo sạ là BTE1, OM 5451, OM 7347 và giống Bến Tre, năng suất lúa trung bình đạt 6,4 tấn/ha, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/ha. Tổng doanh thu tôm - lúa đạt 53 triệu đồng/ha ở mô hình QC và 92 triệu đồng/ha ở mô hình QCCT.
 
Từ kết quả khả quan như trên, tại buổi tư vấn nghiệm thu dự án, các thành viên Hội đồng khoa học cấp tỉnh đều đánh giá cao tính khả thi của mô hình đối với vùng đất phèn nhiễm mặn vào mùa khô ở ngoài đê bao ngăn mặn của huyện Long Mỹ. Đặc biệt, dự án đã hoàn thành và đạt các mục tiêu trọng tâm đã đề ra, nhất là mức thu nhập cho người dân tăng hơn 1,5-2 lần so với làm một vụ lúa; xây dựng và chuyển giao được quy trình, kỹ thuật luân canh tôm - lúa cho người dân.
 
Bên cạnh đó, mô hình thực nghiệm đã cho người dân thấy được việc tận dụng nguồn nước mặn xâm nhập như một tài nguyên quý cùng với đất đai đã mang lại thu nhập đáng kể cho bà con thay vì bỏ đất trống trong mùa khô. Mặt khác, đơn vị thực hiện dự án còn tổ chức được nhiều buổi hội thảo, tham quan vụ nuôi tôm và trồng lúa; đồng thời tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá dự án cho đông đảo người dân.
 
Với những điểm nổi bật trên, các thành viên Hội đồng khoa học cấp tỉnh thống nhất nghiệm thu dự án, đồng thời đề nghị đơn vị chủ trì dự án sớm bổ sung, hoàn chỉnh nội dung dự án theo góp ý của thành viên hội đồng.  
 
Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu