Thứ ba, 10/01/2023,16:30 (GMT+7)
Nghiên cứu đầu tư 9 tỷ USD làm đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ
Ban quản lý dự án đường sắt vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9 tỷ USD, tương đương 213.948 tỷ đồng.
 
Theo đó, Ban quản lý dự án đường sắt đánh giá, việc đầu tư tuyến đường sắt Tp.HCM – Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang Tp.HCM – Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
 
duong_sat_bac_nam
 
Qua nghiên cứu sơ bộ, tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ sẽ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,42km; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9 tỷ USD, tương đương 213.948 tỷ đồng.
 
Tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Tuyến đường sắt bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa...
 
Công nghệ được lựa chọn cho đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.
 
Tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190km/h, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120km/h.
 
Về phương án đầu tư, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP, trong đó Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho nhà nước.
 
Trước đó, ngày 12/5/2022, lãnh đạo Cần Thơ đề nghị, cần khởi công đường sắt Cần Thơ - Tp.HCM trước năm 2030, để vận chuyển hàng hóa cho Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối với Tp.HCM và khu vực khác.
 
Trong buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ theo hình thức trực tuyến sáng 21/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Cần Thơ là đầu mối quan trọng về giao thông nội vùng và liên vận quốc tế nên cần nghiên cứu xây đường sắt từ đây đến Tp.HCM và Cà Mau và đề nghị đẩy nhanh triển khai các quy hoạch, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò trung tâm của Cần Thơ tại Đồng bằng sông Cửu Long, một cực tăng trưởng của cả nước.
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu