Hai mươi năm chất chứa ân tình
Trở lại hai huyện Sốp Cộp và Sông Mã, tỉnh Sơn La (nơi thượng nguồn sông Mã) lần này lòng tôi chan chứa niềm xúc động. Cảm xúc ấy bộc phát từ "nợ ân tình" với đất và người nơi đây. Hai mươi năm về trước, tôi cũng giống các nhà báo trẻ mới ra trường rất thích đi Tây Bắc, bởi muốn dấn thân để cảm nhận mà ghi lại được sâu sắc những khó nhọc, vất vả của đồng bào vùng cao. Lang thang thượng nguồn sông Mã, vào trại phong Chiềng Khương ở với người bệnh; ngược nguồn Nậm Lạnh lên Mường Và, Mường Lạn thăm những di tích cổ; về chân núi Mường Hum tìm gặp cô gái trong câu thơ của Cầm Giang..., tháng ngày ấy in đậm trong tôi những ân tình mà người dân trao cho; nhớ tấm lòng ấm áp trước cánh cửa nhà rộng mở đón người lữ khách lỡ chuyến xe, không thể nào quên được vị ngọt thơm của đùm sắn lẫn cơm nếp ăn bên tảng đá ven đường và khắc khoải mãi hình ảnh những cung đường "vài con dao quăng" mà đi hết ngày không tới…
Sốp Cộp theo tiếng địa phương nghĩa là mồm con ếch, theo dân gian đại ý là "đất nghèo". Từng có câu ca rằng: "Bao giờ nước chảy ngược non/ Ðèn không hao bấc để con hết nghèo". Vậy mà nay đã ứng nghiệm. Công nghệ bơm VA của Ðoàn kinh tế quốc phòng 326 (Ðoàn 326) đã đưa nước từ những con suối chảy ngược lên non. Nói cho đúng, bơm này có tên đầy đủ là Hydraulic Ram, được phát minh từ châu Âu vào quãng thế kỷ thứ 18. Tuy nhiên, nó không được ứng dụng nhiều vì hiệu suất thực tế thấp, không đáp ứng được điều kiện địa hình vùng cao. Cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 326 đã khắc phục được điểm yếu này bằng cách tối ưu hóa các van tiết lưu và mở kênh dẫn nước tạo thêm áp lực. Ðiều đáng nói là bơm được làm chỉ với những thứ vật liệu dễ kiếm, dễ tận dụng như bình ga, ống nhựa, lốp cao-su… Tôi tìm đến Ðoàn 326 để tận mắt quan sát chiếc bơm đưa nước ngược lên đỉnh đồi này. Quả thật, nước được đẩy lên cao chừng 60 m, chinh phục những ngọn đồi thấp là địa bàn canh tác chủ yếu của người dân. Hiện, cả đơn vị đều dùng hệ thống tưới tiêu từ nguồn nước này. Nước được bơm lên hồ chứa trên đỉnh đồi rồi từ đó chia đi các vườn rau bám quanh sườn đồi rất khoa học và bài bản. Ðược biết, mô hình bơm VA đã được "chuyển giao công nghệ" cho người dân và số lượng "đơn hàng" nhờ bộ đội thi công giúp vẫn tăng đều hằng tháng. Ðại tá Trần Văn Chanh, Chính ủy Ðoàn 326 giới thiệu với tôi xưởng gia công, chế tạo bơm và nhiều thiết bị nông cụ, đồ sinh hoạt khác do Thiếu tá Vũ Ngọc Văn phụ trách. Khi nghe tôi bày tỏ rằng không thể tin nổi áp lực nước có thể lên cao đến vậy, Thiếu tá Vũ Ngọc Văn giải thích cấu tạo hoạt động chiếc bơm rồi chìa cho tôi xem ngón tay cái bị cụt một nửa do tai nạn khi đang thử nghiệm van nước: "Anh thấy áp lực trước cửa sập của van nước mạnh cỡ nào chưa?". Nhìn bàn tay Văn, tôi bỗng ngập tràn niềm cảm phục trước bản lĩnh, trí tuệ và những hy sinh, cống hiến của anh Bộ đội Cụ Hồ. Không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, Thiếu tá Vũ Ngọc Văn đang thực hiện đề tài chế tạo bếp ga sử dụng khí CO (các-bon mô-nô-xít). Với sản phẩm này, bà con ta có thể hóa mùn, rác thành khí ga để đun bếp, vừa bảo vệ môi trường lại chủ động nguồn nhiên liệu.
Nhớ lại chuyến đi đầu tiên về thượng nguồn sông Mã cách đây 20 năm, chúng tôi từng trầm trồ thán phục trí thông minh, sức sáng tạo của người dân khi họ biết lợi dụng nguồn nước dư thừa của các thửa ruộng bậc thang để chạy máy phát điện; nhưng nguồn điện từ chiếc máy phát điện 1 kW chỉ đủ thắp một bóng đèn, mà cũng rất tối. Người dân vẫn phải dùng loại đèn dầu lạc chế bằng sợi bấc cắm xuyên qua một ống đồng nhỏ rồi nhúng vào bát dầu. Khi đốt lên, đèn như một ngọn đuốc nhỏ cháy tỏa rất nhiều khói và bấc thì hao rất nhanh. Việc thắp sáng đối với nhiều gia đình trở thành khó khăn vì thiếu bấc, thiếu vải bông làm bấc. Anh Lò Văn Miến khi ấy là Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Một, cứ ước ao bao giờ mới có được một loại đèn tiêu thụ ít điện năng mà vẫn đủ sáng để có thể dùng dòng điện của máy phát điện thả ruộng. Ấy vậy mà đến nay, người dân đã có đèn Led với cường độ ánh sáng cao nhưng tiêu thụ điện năng thấp. Không những thế, trên dòng Nậm Công - một nhánh của thượng nguồn sông Mã đã có đến năm nhà máy thủy điện cung cấp cho bà con đủ dùng, lại còn dư thừa để bán cho hệ thống điện lưới quốc gia và nước bạn Lào. Trung tâm huyện Sông Mã 20 năm trước chỉ là những bãi sình lầy với rất ít nhà dân thì nay đã trở thành thị trấn, mang dáng dấp của một đô thị nhỏ. Riêng trung tâm huyện Sốp Cộp, theo lộ trình thì phải đến năm 2025 mới được công nhận thị trấn, nhưng với quy hoạch hiện tại đã cho thấy những hình dung về một đô thị trung tâm vùng biên giới.
Ổn định sinh kế lâu dài
Sốp Cộp tách ra từ huyện Sông Mã năm 2004, dù có nhiều đổi thay nhưng nay vẫn là một huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo lên đến 48% và bảy trong số tám xã của huyện nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng UBND tỉnh Sơn La đã huy động kinh phí từ nhiều nguồn để xây dựng 107 căn nhà tình thương theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Vậy nên, chống cái nghèo vẫn là một "cuộc chiến" rất cần có những mũi tiên phong, đột kích. Ðoàn 326 với chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh đang là một "mũi chủ công" trên địa bàn ba huyện thượng nguồn sông Mã là Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông (tỉnh Ðiện Biên). Riêng huyện Sốp Cộp, có lợi thế gần "Ðoàn bộ" cho nên các mô hình đều được triển khai, thí điểm từ sớm.
Theo chân Ðại tá Nguyễn Thanh Tùng, Ðoàn trưởng Ðoàn 326, chúng tôi được tìm hiểu những mô hình đã triển khai tại Ðoàn và đang trong giai đoạn chuyển giao cho người dân. Anh Tùng nguyên là sĩ quan ngành kỹ thuật nhưng có tầm nhìn của một nhà kinh tế. Mọi vấn đề đều được anh tư duy dưới dạng một bài toán. Như câu chuyện giúp dân thoát nghèo theo tiêu chí về thu nhập cũng vậy. Hiện chuẩn nghèo nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng; một hộ gia đình bốn người với mức thu nhập từ 2,8 triệu đồng/hộ/tháng trở lên là thoát nghèo. Ðể giúp các hộ dân tăng thu nhập, Ðoàn 326 thực hiện mô hình giới thiệu việc làm mà anh em trong Ðoàn vẫn gọi vui là "xuất khẩu lao động ra ngoài vùng thực hiện nhiệm vụ". Trong hai năm 2018, 2019, Ðoàn giới thiệu cho 184 thanh niên đi lao động tại các tỉnh, thành phố khác. Mỗi lao động có thu nhập trung bình từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng. Qua đó, hàng trăm hộ gia đình được cải thiện thu nhập và đã thoát nghèo. Anh Tùng chia sẻ: Ðiều chúng tôi mong muốn là giúp bà con tăng thu nhập lâu dài, chứ không chỉ cố gắng đạt ngưỡng thoát nghèo. Làm sao để người dân có thu nhập ổn định, rồi từng bước vươn lên trên chính mảnh đất quê hương mình. Bởi vậy, việc giới thiệu thanh niên ra ngoài tỉnh lao động có mấy điểm lợi, một là giải quyết thu nhập trước mắt, hai là để họ có nghề, ba là thay đổi tư duy, biết tính toán làm ăn, có khát vọng vươn lên làm giàu.
Theo thống kê, 1 ha đất trồng nông sản truyền thống chỉ đạt 23 triệu đồng/ha/năm, khó có thể đạt mục tiêu nghị quyết Ðảng bộ huyện đề ra trong 5 năm tới là 35 triệu đồng/ha/năm. Phải lựa chọn cây, con giống có giá trị kinh tế cao và áp dụng khoa học kỹ thuật thì mục tiêu ấy mới trở thành hiện thực. Bám sát chủ trương của Quân khu 2 và Huyện ủy, Ðảng ủy Ðoàn 326 đặt ra khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là "Nâng cao hiệu quả xây dựng các mô hình kinh tế". Theo đó, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như bơm VA, kìm nhổ sắn, thiết bị lọc nước; những mô hình trồng và chế biến cây dược liệu, trồng chanh leo, trồng cây ăn quả trên đất dốc... sẽ được "chuyển giao công nghệ" giúp người dân ứng dụng trong sản xuất và sinh hoạt, đem lại hiệu quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Ðoàn 326 có một xí nghiệp cùng chín đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị (Ðội sản xuất), đứng chân trên ba huyện thượng nguồn sông Mã, nơi phần lớn các xã vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ðiều đáng mừng là trong nhiệm kỳ vừa qua, các xã đã kiện toàn bộ máy tổ chức, hệ thống chính trị cơ sở bắt nhịp nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới, tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt từ 4 đến 5%/năm; các thôn bản cơ bản đều đã có đường xe cơ giới nối đến trung tâm xã. 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 326 đóng góp hơn 10 nghìn ngày công lao động, xây dựng được 47,5 km đường cùng nhiều công trình như lớp học, nhà công vụ, nhà văn hóa, cầu treo...; cùng với đó trực tiếp giúp các tổ chức chính trị nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các bản biên giới, xa trung tâm. Kết quả ấy góp phần giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực.
Chúng tôi đến thăm nhà bà Lò Thị Song (ở thôn Nậm Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp) là gia đình neo đơn, có một con trai tên là Nam vừa xuất ngũ, đã được Ðoàn 326 giới thiệu đi làm tại tỉnh Hưng Yên. Dù xa nhà nhưng anh Nam rất yên tâm vì mẹ già có chỗ dựa là cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 326 cũng như chính quyền địa phương. Tháng tháng, anh Nam gửi tiền về nuôi mẹ thông qua tài khoản của một cán bộ ở Ðội sản xuất số 3. Bà Song cho biết: Ở thôn có 10 người đi làm ăn xa, đều gửi về theo cách này. Có người sau khi kết thúc thời gian làm việc trở về quê đã mạnh dạn tự bỏ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Nhìn vườn cam trồng bên sườn dốc của gia đình bà Song đang mùa bói quả, chúng tôi biết rằng chỉ mai đây thôi khi cam chín rộ, con trai bà trở về với nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm mới sẽ "gây dựng cơ đồ" khang trang, bề thế trên chính mảnh đất quê hương mình.