Thứ ba, 26/05/2020,07:22 (GMT+7)
Người dân làng bột Sa Đéc nỗ lực vượt khó sau dịch Covid - 19
Sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân ở làng bột Sa Đéc trở lại bình thường. Tuy nhiên, hiện nay giá tấm nguyên liệu đầu vào tăng vọt, thị trường nhập khẩu ngưng trệ, thị trường nội địa chậm hồi phục khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh bột tại TP.Sa Đéc gặp nhiều khó khăn. Đứng trước thách thức lớn từ thị trường, các hộ sản xuất bột làng bột Sa Đéc linh động xây dựng những giải pháp thích ứng tích cực.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân Làng bột Sa Đéc hiện đã trở lại bình thường
 
Kể từ thời điểm dịch Covid – 19 xuất hiện trong những tháng đầu năm nay, giá gạo nguyên liệu nội địa bắt đầu “leo thang” và giá tấm (nguyên liệu đầu vào của sản phẩm bột gạo) cũng tăng vọt. So với cùng kỳ năm trước, giá tấm nguyên liệu hiện nay đang ở mức giá cao kỷ lục, tăng trung bình từ 1.500 – 2.000 đồng/kg, hiện giá tấm nguyên liệu được các hộ sản xuất bột mua vào dao động từ 8.500 đồng – 8.800 đồng/kg. Nhiều hộ sản xuất bột tại Sa Đéc cho biết, kể từ thời điểm bắt đầu dịch Covid – 19 đến nay, dù giá tấm nguyên liệu liên tục tăng vọt nhưng giá bột tươi vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân khiến giá bột thấp là do nhu cầu của thị trường giảm mạnh.
 
Ông Châu Hoài Nghĩa - Chủ cơ sở sản xuất bột gạo lọc Sáu Linh (xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc) cho biết, do giá tấm nguyên liệu tăng mạnh nên sản xuất bột trong thời điểm này hầu như không có lãi. Tuy nhiên, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, cơ sở vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất như bình thường. Chúng tôi hi vọng, dịch bệnh sớm được kiểm soát tốt hơn trên toàn thế giới để hoạt động xuất nhập khẩu được kết nối lại như trước đây. Thời gian trước, sản phẩm bột gạo không chỉ tiêu thụ mạnh ở nội địa mà còn xuất khẩu ở thị trường nước ngoài với số lượng rất lớn”.
 
Ông Nguyễn Quốc Chánh - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc thông tin: “Do thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên nhiều cơ sở sản xuất bột vẫn chưa thể sản xuất hết công suất. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của sản phẩm bột gạo của làng nghề là thị trường nội địa. Riêng các thị trường xuất khẩu như: Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á chưa thể nối lại như bình thường”.
 
Đối diện trước khó khăn, để duy trì nghề truyền thống, nhiều hộ sản xuất bột của làng nghề thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, áp dụng vào sản xuất. Anh Nguyễn Trúc Duy – Chủ cơ sở sản xuất bột gạo lọc Trúc Duy (ấp Phú An, xã Tân Phú Đông) bộc bạch: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề làm bột mấy mươi năm nay nên không đành lòng bỏ nghề. Chính vì vậy, tôi quyết tâm tiếp tục duy trì nghề truyền thống của ông cha. Hiện tại, sản phẩm bột tươi bán không có giá, gia đình tôi bắt đầu chuyển sang đầu tư máy móc sấy bột khô để bán có giá hơn, thị trường rộng hơn. Mặc dù chuyển sang làm bột khô vất vả hơn nhiều nhưng đây là giải pháp cứu cơ sở trong giai đoạn này”.
 
Với quyết tâm tìm hướng đi cho nghề truyền thống của gia đình, chị Nguyễn Thị Kim Hương - Chủ cơ sở sản xuất bột gạo lọc Kim Hương (ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc) cho biết: “Hiện vợ chồng tôi đang đầu tư hệ thống nhà xưởng với máy móc hiện đại để sản xuất bột gạo chất lượng cao bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thay vì chỉ tập trung sản xuất theo kiểu truyền thống, cung ứng cho thị trường nội địa như trước đây”.
 
Được biết, ngoài đầu tư hệ thống nhà xưởng sản xuất với máy móc và trang thiết bị hiện đại, cơ sở này còn đầu tư cả hệ thống sấy bột cặn bằng năng lượng mặt trời, với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu đồng. Giải pháp này giúp cơ sở sản xuất bột gạo lọc Kim Hương giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường trong sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm bột cặn. Hiện giá bột cặn được sấy bằng năng lượng mặt trời tại cơ sở được thương lái thu mua giá cao hơn sản phẩm cùng loại ngoài thị trường từ 200 đồng – 500 đồng/kg. Đây là nguồn thu đáng kể ngoài sản phẩm bột nguyên liệu.
 
Về giải pháp hỗ trợ làng bột Sa Đéc trong thời gian sắp tới, ông Nguyễn Quốc Chánh - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc cho biết: “Để thực hiện việc củng cố, hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất bột tại Làng bột Sa Đéc sau dịch bệnh Covid-19, UBND TP.Sa Đéc chỉ đạo các ngành chuyên môn phổ biến, vận động, hướng dẫn các cơ sở, hộ sản xuất bột đăng ký nhu cầu hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất bột từ nguồn khuyến công địa phương và chương trình hỗ trợ khuyến công của tỉnh. Đồng thời, từ đây đến cuối năm, đơn vị tích cực phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương tỉnh để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Làng bột Sa Đéc tham gia các hoạt động về xúc tiến thương mại, triển lãm... tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ...
 
MỸ LÝ - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu