Thứ tư, 17/02/2021,11:02 (GMT+7)
Người mở lối cho trầm Việt
“Khánh Hòa là xứ trầm hương/ Non cao biển rộng, người thương đi về” - câu ca dao ấy từ xa xưa như một định danh với vùng đất giàu đẹp này. Thế nhưng, để những gì đúc kết trong câu ca dao ấy trở thành hiện thực, cần có những người tiên phong, biết lăn xả, cống hiến để đưa trầm hương - bảo vật quý giá của quốc gia - lan tỏa ra thế giới.
Tại Bảo tàng Trầm Hương, anh Nguyễn Văn Tưởng giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về chiến lược phát triển Trầm hương Khánh Hòa
Tại Bảo tàng Trầm Hương, anh Nguyễn Văn Tưởng giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về chiến lược phát triển Trầm hương Khánh Hòa
 
Tiên phong gỡ nút thắt
 
Sinh ra ở Hưng Yên, anh Nguyễn Văn Tưởng cũng như nhiều người con khác, vất vả mưu sinh ruộng đồng bên dải lụa sông Hồng thơ mộng. Lớn lên, Tưởng vào quân ngũ, hành quân qua những dải đất miền Trung. Thế rồi, Tưởng trở thành phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú khu vực Tây nguyên như một định mệnh đưa anh đến với “nghiệp trầm” hôm nay. Vào Tây nguyên, anh có cơ hội lăn lộn khắp các vùng núi rừng, nghe những già làng, trưởng bản nói về hương trầm giữa đại ngàn, anh như bị “hớp hồn” bởi nó. 
 
Anh kể, ngày đó cứ có thời gian rảnh, anh lại đi đến nhiều vùng núi rừng, nơi có nhiều người hiểu và kể chuyện trầm để nghiên cứu, tìm hiểu thêm về sản vật này. Càng tìm hiểu, sức lôi cuốn của hương trầm đưa anh đến những câu chuyện vượt ra khỏi không gian vốn có của nó. Anh nói trầm hương xứ ta đã nổi tiếng trên con đường tơ lụa từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, từ Trung Quốc sang Trung Đông. Ngoài ra, còn con đường tơ lụa trên biển, xứ đàng trong có Hội An, xứ đàng ngoài có Phố Hiến. Trầm hương Việt Nam lừng danh thời đó, khi cập bến ở một hải cảng của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cùng với nhiều hương liệu khác như hồi, quế, hồ tiêu, tạo mùi thơm lan tỏa, nên người ta đặt tên là Hương Cảng (cảng thơm - Hồng Kông).
 
Theo nghiên cứu, trầm hương không chỉ là sản vật quý, nó được xem là tinh hoa, linh khí của trời đất. Hương trầm được đốt lên ở những cung điện của nhiều triều đình phong kiến trước đây và được ngợi ca về mùi hương không gì sánh nổi. Trên bản đồ thế giới, chỉ có 6 nước có trầm hương, nhưng trầm hương Việt Nam tốt nhất. Sản lượng trầm hương thế giới phụ thuộc vào Việt Nam. Việt Nam không chỉ được coi như “Vương quốc trầm hương” của thế giới trong quá khứ, còn là nguồn cung cấp quan trọng trong tương lai, bởi loại hương liệu thượng hạng này không thể thay thế trong dược phẩm, nước hoa. Những năm trước đây, trầm là hàng quốc cấm, không giao dịch mua bán cũng như không thể chế tác nó thành nhiều sản phẩm. Vậy nên, một thời gian dài hương trầm Việt thường giấu mình tỏa hương. 
 
Nhận rõ đây là rào cản lớn nhất, anh Tưởng lao vào con đường tìm lối thoát trầm hương. Để thực hiện ấp ủ ấy, anh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, cùng đồng nghiệp viết nhiều bài báo, gặp các yếu nhân của ngành nông nghiệp lúc ấy để thuyết phục. Với lý lẽ giản dị nhưng thuyết phục, cuối cùng trầm hương đã được đưa khỏi danh sách hàng quốc cấm. “Nước ta có trầm hương mang linh khí của trời đất, khiến mọi người nhắm mắt chắp tay cúi lạy, đó là giá trị của thương hiệu Việt Nam, hà cớ gì không suy tôn, tạo nhiều giá trị, làm giàu và phủ xanh đất trống, đồi trọc” - anh Tưởng bày tỏ.
 
Để hương trầm bay xa
 
Lệnh cấm trầm được bãi bỏ, anh Tưởng xin thôi công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, về Nha Trang lập Công ty Trầm Hương Khánh Hòa. Chia sẻ về việc chọn Khánh Hòa là điểm khởi nghiệp, gầy dựng thương hiệu trầm Việt, anh Tưởng cho rằng dải đất hình chữ S nơi nào cũng có núi rừng, có trầm, nhưng Khánh Hòa được gọi là xứ trầm hương bởi hương trầm nơi đây rất đặc biệt, không nơi nào sánh. Xưa ông cha ta đã đúc kết và gọi Khánh Hòa là xứ trầm vì lẽ đó. Để minh chứng điều đó, anh Tưởng đã đi nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, khai mở thị trường, hành trình đó cũng gian nan như “ngậm ngải tìm trầm”. Hàng ngàn tài liệu từ cách đây hàng trăm năm đến từ khắp thế giới được anh sưu tầm, dịch ra tiếng Việt để nghiên cứu. 
 
Niềm vui đem lại cho anh, khi những tài liệu thế giới viết về trầm hương đa phần đều gắn với trầm hương Việt Nam và nhiều nhà nghiên cứu cũng xem Việt Nam là “cái nôi” của trầm. Có dịp ghé Bảo tàng Trầm hương của anh, mọi người không chỉ được chiêm ngưỡng những khối trầm, kỳ quý hiếm, còn được nghe anh bộc bạch về những tài liệu anh sưu tầm nghiên cứu bao lâu nay, đó là tri thức về trầm, là cái sẽ giúp anh tạo nên nhiều giá trị về trầm hương trong tương lai không xa. Và thực tế, đến hôm nay trầm hương Việt Nam xuất khẩu rất nhiều sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, UAE, Mỹ. 
 
Trong hành trình của trầm, anh Tưởng có công không nhỏ nhưng chưa một lần tự cho mình là người có công đầu. Điều anh mong muốn nhất là trầm Việt sẽ lan tỏa, tạo giá trị khắp 5 châu. Mới đây, anh Tưởng đã cho chế tác 100 chiếc quạt làm từ trầm hương làm quà lưu niệm cho các đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị cao cấp APEC 2017 tại Nha Trang, tạo ấn tượng về sản phẩm mang nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, anh Tưởng được phép tổ chức buổi dâng trầm trên mảnh đất Côn Đảo linh thiêng thay cho lời tri ân. 
 
Thế nhưng, để xuất khẩu trầm hương cần có nguồn nguyên liệu tốt, trong khi sản vật này trong tự nhiên đã cạn kiệt. Không nản, cách đây hơn chục năm, anh Tưởng đã đi đầu trồng cây gió bầu, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo vùng nguyên liệu cho trầm. Với diện tích hàng ngàn hecta, cây gió bầu ở Tây nguyên còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn nông dân. “Trầm hương không phải là cây xóa đói giảm nghèo, mà là cây làm giàu. Nhà nước cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá đúng về tiềm năng kinh tế của trầm hương ở khu vực miền Trung và Tây nguyên để có chính sách vĩ mô đưa trầm hương trở thành một ngành kinh tế” - anh Nguyễn Văn Tưởng kỳ vọng.
 
NGÂN KHÁNH - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu