Thứ hai, 17/07/2023,11:26 (GMT+7)
Người phụ nữ đau đớn sau 20 năm bơm silicon để được bàn tay “búp măng”.
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh áp xe phần mềm 2 bàn tay sau tiêm silicon lỏng.
 
Sáng 12-7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân bị biến chứng áp xe do bơm silicon không rõ nguồn gốc vào bàn tay.
 
Người phụ nữ đau đớn sau 20 năm bơm silicon để được bàn tay “búp măng” - Ảnh 1.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh trước phẫu thuật
 
Cách đây 20 năm, bà Đ.T.D.C (51 tuổi; ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) tiêm silicon vào bàn tay với mục đích tạo tay "búp măng". Sau đó, bà C. đã phẫu thuật nạo silicon khoảng 10 năm trước nhưng phần silicon này chưa được lấy ra hết.
 
Thời gian gần đây, 2 bàn tay của bà C. sưng tấy, đau nhức nhiều gây hạn chế vận động nên đã đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.
 
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh áp xe phần mềm 2 bàn tay sau tiêm silicon lỏng. Ê-kíp bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật rạch áp xe, nạo vét silicon lỏng , tránh tình trạng chuyển biến xấu, có thể gây nhiễm trùng hoại tử da bàn tay.
 
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 60 phút. Sau 24 giờ, bệnh nhân đã ổn định, giảm sưng và giảm đau khi vận động bàn tay, người bệnh được xuất viện theo dõi tái khám ngoại trú.
 
Người phụ nữ đau đớn sau 20 năm bơm silicon để được bàn tay “búp măng” - Ảnh 3.
Bàn tay của người bệnh bị sưng tấy, đau nhức nhiều trước khi phẫu thuật
 
Người phụ nữ đau đớn sau 20 năm bơm silicon để được bàn tay “búp măng” - Ảnh 4.
Silicon được lấy ra khỏi bàn tay của người bệnh
 
Theo bác sĩ Võ Hồng Phúc, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Khoa Liên chuyên khoa – Điều trị trong ngày (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long), hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít chất làm đầy được Bộ Y tế cho phép sử dụng.
 
Trước đây, silicon lỏng là chất làm đầy hay được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da và phục vụ nhu cầu trong thẩm mỹ để tân trang nhan sắc, tuy nhiên năm 1995, Bộ Y tế đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận trong cơ thể do ghi nhận nhiều biến chứng nguy hiểm.
 
TÂM QUÂN (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu