Thứ hai, 20/01/2020,07:24 (GMT+7)
Nguy cơ giảm năng suất lúa đông xuân vì mặn xâm nhập
Do nằm sát biển, vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ bị xâm nhập mặn rất cao. Vụ rò rỉ nước mặn trực tiếp qua cống thủy lợi mới đây càng làm người dân thêm lo lắng. Khi phát hiện, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc nhưng đến nay sự cố vẫn chưa được khắc phục triệt để. Người dân trong vùng ngọt hóa đang rất lo vụ lúa đông xuân và hoa màu có thể bị ảnh hưởng.
Nước mặn tiếp tục xâm nhập vào vùng ngọt từ cống thủy lợi.
 
Nước mặn xâm nhập qua cống thủy lợi
 
Theo người dân địa phương, vào tối 14-1, nước mặn từ sông Ông Đốc chảy từ đáy cống Trùm Thuật (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) vào vùng ngọt. Ban đầu nước vào ít, dần dần chảy mạnh hơn và sau đó gần như là mở cống để lấy nước. Đến sáng hôm sau, mực nước kênh Trùm Thuật đã dâng cao khoảng 15-20cm.
 
Ông Nguyễn Văn Nỉ ở gần cống, cho biết: Một số diện tích lúa đông xuân của bà con đang trổ bông nên vẫn cần bơm nước. Còn phần lúa không cần bơm từ kênh vào nhưng vẫn phải khắc phục nhanh vì nước mặn vào nhiều có thể gây xì phèn, ảnh hưởng năng suất. “Lúa nhà tôi cận Tết mới có cắt. Bây giờ nếu không ngăn được, để nước mặn vô sâu sẽ thiệt hại rất nhiều” - ông Ni lo lắng bày tỏ.
 
Theo UBND xã Khánh Hải, sau khi phát hiện vụ việc, ngành chức năng đã cho đóng ngay các cống thuộc tiểu vùng 3 - thuộc vùng ngọt Bắc Cà Mau. Do có hệ thống cống thủy lợi độc lập nên nước mặn bước đầu chỉ ảnh hưởng địa bàn xã Khánh Hải. Phần lớn hơn 3.700ha lúa đông xuân trên địa bàn chưa thu hoạch, chính vì vậy địa phương đã phát cảnh báo đến người dân trên toàn địa bàn không dùng nước kênh rạch cho hoạt động sản xuất để tránh thiệt hại.
 
Không để ảnh hưởng sản xuất
 
Ghi nhận của chúng tôi vào chiều ngày 17-1, hàng chục dân quân tự vệ và lực lượng chức năng địa phương tiếp tục tiến hành đắp đập tạm để ngăn mặn. Kè của đập tạm đã hoàn thành, các lực lượng đang tiến hành đưa đất, cát vào bao tấn để ngăn dòng chảy. Cùng với đó, các máy bơm hoạt động liên tục để bơm nước mặn ngược ra.
 
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết: Nước mặn có thể đã xâm nhập nhiều kênh rạch trên địa bàn xã Khánh Hải nhưng chưa ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Hiện ngành chức năng đang khẩn trương thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp tạm thời để ngăn chặn, bằng mọi cách không để nước mặn xâm nhập vào sâu hơn ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng lo lắng việc nước mặn lắng đọng có thể ảnh hưởng tới vụ mùa tiếp theo nên sau khi khắc phục xong sự cố sẽ tính tới giải pháp rửa mặn.
 
“Cống Trùm Thuật được thiết kế theo công nghệ cống vùng thủy triều thấp, khoảng 1,2m. Tuy nhiên, do nắng hạn gay gắt nên kênh rút nước nhanh chỉ còn khoảng 0,3m, ở ngoài thì triều cường lên cao. Chênh lệch giữa triều cường và mực nước bên trong khoảng trên 2m nên áp lực rất lớn. Nhận định ban đầu là do áp lực nước làm xói dưới đáy cống, lỗ xói ngày ngày càng rộng hơn nên xảy ra tình trạng mặn xâm nhập vào vùng ngọt” - ông Hoai nói về nguyên nhân nước mặn xâm nhập qua cống thủy lợi.
 
Vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau có diện tích đất sản xuất khoảng 50.000ha. Đây cũng là vùng trọng điểm trồng lúa của tỉnh Cà Mau. Chỉ tính riêng huyện Trần Văn Thời đã có khoảng 26.000ha lúa đông xuân. Thời gian qua, tình trạng hạn hán làm thiếu nước sản xuất cùng với đó mặn xâm nhập nội đồng đã gây giảm năng suất cho một số diện tích lúa đã thu hoạch. Việc nước mặn xâm nhập qua cống thủy lợi càng làm người dân lo lắng hơn.
 
Hiếu Nghĩa - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu